Người Yên Lạc kể, từ hơn 300 năm trước nghề làm áo tơi đã hình thành rồi phát triển ở vùng đất này. Mốc thời gian cụ thể ra sao không còn ai nhớ rõ, thế nhưng trong câu chuyện của người Yên Lạc, thì khi nhắc tới quê hương người ta thường hình dung ra cây đa, bến nước, con đò… Và dứt khoát phải có cả chiếc áo tơi thì mới là quê hương Nghệ Tĩnh!
Qủa thực hiếm có nơi nào, người dân lại coi chiếc áo tơi là biểu hiện sinh động cho ý chí chiến đấu của người nông dân với cuộc sống gian khổ, khắc nghiệt. Khi trời rét khoác tấm áo tơi mới thấy ấm áp lạ lùng. Giữa ngày nắng oi nhờ có áo tơi người nông dân vẫn thấy mát rượi. Chả thế mà trong ca khúc Hà Tĩnh mình thương nhạc sĩ An Thuyên phải thốt lên rằng: “Khi tôi lớn lên, gió bụi, cát bay lẫn trong sữa thơm mẹ nuôi tôi lớn. Ơi Hà Tĩnh mình đường về có nhớ, trời chang chang nắng, ai quàng áo tơi”.
Ông Nguyễn Huy Dũng hiện là cán bộ Văn Hóa - Thông tin của xã Quang Lộc cho biết: “ Ngày hôm nay, ở Yên Lạc hơn 100 hộ dân vẫn còn duy trì nghề chằm tơi truyền thống. Thời điểm nhộn nhịp nhất của làng nghề thường kéo dài từ tháng 4 tới tháng 6 âm lịch. Nghề chằm tơi cứ thế được bà truyền cho mẹ, mẹ truyền cho các con, rồi lại truyền cho cháu cho đến tận bây giờ.”
“Để hoàn thiện một chiếc áo tơi, người thợ phải trải qua gần chục công đoạn với quãng thời gian gần 2h đồng hồ. Ước tính qua mỗi vụ, một hộ 4 người có thể làm được 300 chiếc, với giá bán cho mỗi chiếc trên thị trường khoảng 50.000VNĐ”, ông Dũng nói.
Nghề chằm tơi tuy không sặc sỡ sắc màu như công việc dệt thổ cẩm của người vùng cao. Sản phẩm làm ra có thể cũng chẳng tinh xảo như nghề đúc đồng thường thấy ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Thế nhưng, nó lại hội tụ đủ những đức tính khéo léo, cần cù, dẻo dai và mạnh mẽ của con người Nghệ Tĩnh.
Đầu tiên những người đàn ông trong làng sẽ lên rừng lấy tơi, tìm mây. Để làm được áo, lá tơi phải đủ độ dài. Dây mây cũng không phải loại nào cũng dùng được. Chỉ có những dây mây đủ độ già, lõi vàng ươm, thật bóng bẩy mới được chọn. Thứ nguyên liệu này chỉ có nhiều ở khu vực tận rú (núi) Khe Giao hoặc trên dải Trường Sơn thuộc miền núi Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh).
Chị Nguyễn Thị Thu người thôn Yên Lạc kể: “Khi mang lá tươi về phải đưa vào bếp để hun củi cho chín lá. Tiếp đó số lá đã được hun phải phơi đẫm sương đêm cho nở ra. Dưới cái nắng nhẹ, lá tơi được rải đều hong khô vừa đủ để không bị giòn mà lại đạt được độ dai thì khi chằm mới đều, mới đẹp được.
Thế nên, tới Yên Lạc vào mùa chằm tơi chỉ thấy ở khắp nơi nào lá, nào dây mây, dây nứa. Lá tơi lúc thì xếp kín trong nhà, khi lại phủ đầy ngoài sân. Lắm lúc từng bó còn nằm vắt vẻo hai bên đường đi. Có khi lá tơi xếp chật cả trong gầm giường của những người nông dân chất phác Yên Lạc.
Khi đan một chiếc áo tơi, người Yên Lạc sẽ cố định một ô hình vuông bằng dây thừng bện chắc, buộc chặt vào 4 chiếc đinh trên một tấm gỗ lớn. Sau đó lần lượt sắp xếp lá tơi thành từng đợt, từng đợt xếp chồng lên nhau. Theo dõi thật kỹ thì ta thấy được người thợ phải xếp tất cả tám lớp lá. Lần lượt lớp trước được bẻ gập xuống, rồi chèn lớp lá sau lên.
Cây kim dùng để đan áo cũng thật đặc biệt. Nó được làm từ sợi thép nhỏ như đầu đũa, chỉ dài chừng 20cm. “Chiếc kim cũng không được thẳng mà phải hơi cong để còn uốn lượn theo sống lá. Sau đó dùng dây thừng cắt nhỏ, xỏ qua lỗ kim gọi là chiêng tơi để luồn dây qua kẽ lá thật từ từ”, chị Lý Thị Xuân kể.
Khi đan mây phải làm sao để khoảng cách giữa các mũi đan đều, đẹp và đảm bảo độ chắc. Cứ như thế những mảnh lá nhỏ lẻ được xếp với nhau thật khít, thật chặt giúp áo tơi cứng hơn, đảm bảo không có giọt nước nào có thể chảy qua.
Được nghe các mẹ kể, rồi lại được xem các chị làm thì tưởng chừng công việc này đơn giản lắm! Nhưng không phải ai cũng có thể làm được bởi người làm phải có đủ sự khéo léo, dẻo dai và kiên trì.
Bước vào công đoạn cuối cùng, cũng là công đoạn khó nhất, sẽ cần tới sự hỗ trợ của người đàn ông trong nhà. Khi gập cổ áo, người thợ phải dùng sức gập thật mạnh để cho lá tơi gãy dập vuông góc thì cổ tơi mới tròn. Tiếp theo dùng hai tay bẻ cong theo đường mây của cổ tơi thì mới định hình được cho cả chiếc áo.
Cho đến tận bây giờ bây giờ, bất kỳ người dân Hà Tĩnh nào cũng có thể dễ dàng tìm kiếm một sản phẩm có chức năng che nắng, che mưa tương tự. Nhưng rồi từ những nguyên vật liệu đơn giản nhất, với những công cụ tự chế thô sơ nhất người Hà Tĩnh vẫn chằm và sử dụng áo tơi Yên Lạc vì sự tiện lợi của nó.
Những biến động của nền kinh tế thị trường đã khiến nghề chằm tơi Yên Lạc phần nào mai một… Nhưng nhiều người dân nơi đây chia sẻ, họ sẽ vẫn cố giữ lấy nghề, bám lấy nghề như đang giữ một phần hồn của mảnh đất miền Trung nhiều nắng gió. Khi nào ân tình của người với nghề vẫn còn vẹn nguyên, thì nghề chằm tơi vẫn được tiếp nối và truyền đời.