Thượng đỉnh Nga - Mỹ: Cuộc gặp “không thoải mái”

GD&TĐ - Chưa đầy 2 tuần nữa là đến Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Mỹ, song các dấu hiệu hiện giờ cho thấy cuộc gặp có vẻ bắt đầu sẽ không mấy vui vẻ và thuận lợi. Nhưng ít nhất về mặt hình ảnh, cả hai bên sẽ đều ghi điểm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào 16/6 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, bầu không khí trước cuộc gặp khá căng thẳng do quan hệ hai nước đang ở mức cực thấp, vì nhiều lý do như Nga bỏ tù thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, tăng cường hiện diện ở biên giới Ukraine và bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ.

Trước cuộc gặp, cựu Tổng thống Nga Dmitri Medvedev, người hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, trả lời tờ Kommersant hôm 1/5 cho rằng, ở nhiều khía cạnh, quan hệ Nga - Mỹ hiện giờ còn xấu hơn những thời khắc thách thức nhất của Chiến tranh Lạnh, bởi Mỹ cho rằng Nga đang suy yếu và có thể phớt lờ Nga.

Ông nhấn mạnh, trước đây Mỹ không coi Nga như một người bạn, mà như một đối thủ cần được coi trọng. Nhưng giờ họ nghĩ rằng “Nga đang hấp hối, đang suy yếu và có thể bị phớt lờ trong tiến trình chính sách đối ngoại, và vì thế họ mắc nhiều sai lầm” – ông nói.

Theo ông Medvedev, ngay cả trong Chiến tranh Lạnh, phương Tây cũng không để tình hình với Nga leo thang như hiện nay, đến mức cắt kết mọi đường liên lạc và nhằm vào các quan chức cụ thể của Nga.

Ngay cả khi không đồng ý với chính sách của Liên Xô và thể hiện “ác cảm to lớn” với nhau thì hai bên cũng chưa từng có những biện pháp như vậy. “Liệu có thể tưởng tượng rằng trừng phạt cá nhân có thể áp đặt đối với các nhà lãnh đạo Xô viết như Nikita Khrushchev hoặc Leonid Brezhnev? Tất nhiên là không.

Tại sao? Bởi các đối tác của chúng tôi thực dụng hơn nhiều”. Ông Medvedev cho rằng, phương Tây đã khởi đầu “vòng xoáy đối đầu” vào năm 2014, để đáp trả việc Nga sáp nhập Crưm sau trưng cầu dân ý, “họ phá hủy và đốt trụi tất cả”.

Một quan chức Nga khác, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Rybakov nói với hãng tin RIA rằng Nga muốn gửi đến Mỹ một số tín hiệu “không thoải mái”. Theo ông Rybakov, Nga sẵn sàng đáp trả tuyên bố của Tổng thống Mỹ Biden hôm 29/5 nói rằng, tại cuộc gặp thượng đỉnh, sẽ kêu gọi ông Putin tôn trọng nhân quyền.

Nga cũng vừa tuyên bố sẽ đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở biên giới phía Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu phát biểu rằng Mỹ và đồng minh NATO đã gia tăng các hoạt động quân sự ở phía Tây của Nga, “phá hoại hệ thống an ninh thế giới và buộc chúng ta phải có các biện pháp đáp trả”.

Ngược lại từ phía Mỹ, cũng nhiều người không ủng hộ cuộc họp. Thượng nghị sĩ Ben Sasse, thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện cho rằng có phải Mỹ “đang thưởng cho ông Putin cuộc gặp thượng đỉnh”?

Theo ông Sasse, với việc Nga ủng hộ Belarus ngăn cản chuyến bay của 2 thành viên EU và bắt giữ nhà báo đối lập Roman Protasevich, lẽ ra phải trừng phạt Nga nhưng Mỹ lại “dành cho Nga đường ống Nord Stream 2 và hợp pháp hóa hành động của ông ấy bằng cuộc gặp thượng đỉnh, điều đó làm Mỹ ở thế yếu”.

Khi thông báo về cuộc gặp này, cả hai bên đều tỏ ra thận trọng. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận hàng loạt vấn đề và tìm kiếm “khôi phục tính dễ đoán định và sự ổn định trong quan hệ”.

Một số nhà quan sát chính trị Mỹ cũng đồng ý rằng cuộc gặp có lợi cho Nga, bởi báo chí Nga sẽ xem đây là việc Mỹ nhấn mạnh Nga là một cường quốc và có vai trò không thể thiếu trong việc xử lý các vấn đề thế giới.

Về nội bộ, cuộc gặp sẽ đem lại lợi thế cho ông Putin trước cuộc bầu cử Duma sắp tới, còn với ông Biden, nó sẽ nhấn mạnh hình ảnh đối lập của ông với cựu Tổng thống Donald Trump trước đây – người được xem là đã nhượng bộ trước Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ti vi trong suốt.

8 phát minh ấn tượng nhất

GD&TĐ - Time giới thiệu một số sản phẩm mang tiện ích sáng tạo nhất về quá trình chuyển đổi sang kỷ nguyên công nghệ tiêu dùng...