Thương cảng Vân Đồn được đề xuất là di tích quốc gia đặc biệt

GD&TĐ - Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng hồ sơ để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận thương cảng Vân Đồn là di tích quốc gia đặc biệt.

Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương.
Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương và địa phương.

Ngày 24/9, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn”, với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học trung ương, địa phương.

Hội thảo nhằm đánh giá toàn diện về vị trí, vai trò, quy mô, ý nghĩa, giá trị của Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn qua các thời kỳ lịch sử; Bổ sung căn cứ khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích lịch sử thương cảng Vân Đồn đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt…

Hội thảo tập hợp 34 bài viết tham luận của cơ quan nghiên cứu trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương. Trong đó có 4 bài tham luận của nhóm chuyên gia, chuyên gia quốc tế (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ).

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các phương án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn phải được đặt trong tầm nhìn và chủ trương phát huy giá trị di tích để từ đó xây dựng luận cứ khoa học, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo tồn văn hóa;

Đồng thời qua đó rút ra những tri thức, kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế biển xanh mà Quảng Ninh đang thực hiện và định hướng phát triển cảng biển Vân Đồn trong giai đoạn tới.

Tiến sỹ Lê Thị Liên - Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, quá trình khảo cổ, khai quật, phát hiện nhiều di vật, hiện vật, dấu tích về sự phát triển của thương cảng Vân Đồn. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của thương cảng Vân Đồn trong hệ thống giao thương Việt Nam và quốc tế. Quy mô, mối quan hệ của các vùng, cụm cảng đảo trong Quần thể di tích thương cảng Vân Đồn.

Tuy nhiên, hiện nay các hiện vật, dấu tích dần bị mai một, do đó cần có sự vào cuộc của các cấp ngành để thu thập, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử của dấu tích thương cảng Vân Đồn.

Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo.
Ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội thảo.

Ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, kết quả chuyên môn của hội thảo sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và những giá trị văn hóa tiêu biểu của Quảng Ninh - vùng đất “địa linh, nhân kiệt” và thương cảng quốc tế Vân Đồn, một trung tâm kinh tế, đối ngoại quan trọng hàng đầu của đất nước.

“Chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận thương cảng Vân Đồn là di tích quốc gia đặc biệt”, ông Huy nói.

Thành lập năm 1149, Vân Đồn trở thành thương cảng đầu tiên của nước Đại Việt. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cấp cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương. Thương cảng Vân Đồn là hệ thống bến thuyền thư­ơng mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Trên phạm vi khoảng 200 km2, có các bến: Cống Đông, Cống Tây (xã Thắng Lợi); Cái Làng, Cống Cái (xã Quan Lạn); Cái Cổng, Con Quy (xã Minh Châu); Cống Yên, Cống Hẹp (xã Ngọc Vừng), thuộc huyện Vân Đồn ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ