Thuốc ngon miệng và tăng cân: "Con dao hai lưỡi" với trẻ

GD&TĐ - Theo các bác sĩ, nhiều loại thuốc giúp ăn ngon và tăng cân thường chứa corticoid loại mạnh.

Một phụ huynh chia sẻ về những loại thuốc “tăng cân” bị bóc vỏ. Ảnh chụp màn hình
Một phụ huynh chia sẻ về những loại thuốc “tăng cân” bị bóc vỏ. Ảnh chụp màn hình

Song, một trong những tác dụng phụ của corticoid là tăng chuyển hóa cơ bản, tích trữ mỡ và tăng cân bằng cách “tích nước” cơ thể.

Cơ chế tăng cân

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho biết, thời gian qua, không ít phụ huynh băn khoăn về việc có nên cho trẻ dùng các loại thuốc tăng cân không.

Tuy nhiên, những loại thuốc này không có nhãn, nguồn gốc. Theo bác sĩ Sang, thông thường, những thuốc tăng cân như vậy sẽ bao gồm 1 viên vitamin dòng B, 1 viên corticoid loại mạnh (dexamethasone, prednisone, methylprednison…), 1 viên canxi… Cơ chế là sử dụng corticoid để kích hoạt ăn và tích nước.

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh được giới thiệu về những loại thuốc giúp trẻ “ăn ngon miệng”. Một số phụ huynh chia sẻ, sau thời gian sử dụng, trẻ ăn ngon hơn bình thường. Tuy nhiên, bác sĩ Sang cảnh báo, một trong những tác dụng phụ của corticoid đó chính là tăng chuyển hóa cơ bản, tích trữ mỡ và tăng cân bằng cách “tích nước” cơ thể.

Chuyên gia này dẫn chứng, với những bệnh nhân lớn tuổi đau khớp khi uống thuốc giảm đau có chứa corticoid, họ đều ăn ngon và mặt phúng phính. Đó là tác dụng của corticoid. Tuy nhiên, nếu uống liều cao và kéo dài mà không có chỉ định bác sĩ, corticoid có thể gây suy gan và thận.

“Việc sử dụng corticoid là 1 con dao 2 lưỡi mà các bác sĩ rất cân nhắc. Nếu mục đích điều trị ung thư, hen phế quản, viêm nhiễm... thì dùng liều theo chỉ định và trong thời gian ngắn rồi ngưng. Tránh dùng quá nhiều và quá dài gây biến chứng lên thận, gan, xương... và gây ra hội chứng Cushing”, bác sĩ Sang cho biết.

Chuyên gia này nhận định, rất khó để xác định các thuốc ngon miệng và tăng cân mà nhiều phụ huynh hỏi là gì. Bởi, thuốc đã được bóc vỏ. Tuy nhiên, việc dùng thuốc nên có chỉ định của bác sĩ.

“Khám dinh dưỡng một bé rất khó khăn và đôi khi là quá trình kéo dài vài tháng. Vì nguyên nhân biếng ăn của một đứa trẻ thường là do cách chăm con chưa chính xác chứ không phải là tới kê thuốc về và nói uống đi rồi ăn ngon.

Đương nhiên, thay đổi lối ăn uống của một đứa trẻ đôi khi cả tháng, cần sự kiên nhẫn của bố mẹ, chứ không phải 1 - 2 ngày là xong”, bác sĩ Sang khuyến cáo.

Cân nhắc lợi ích và nguy cơ

Chia sẻ về corticoid, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) cho biết: “Corticoid hay tên gọi đầy đủ là Corticosteroid là một hợp chất có nguồn gốc từ tuyến thượng thận có vai trò như các “hormone”. Do bản chất là hormone, chúng có tác dụng rất nhanh và mạnh trong cơ thể của chúng ta”.

Chuyên gia này lý giải, hormone là một dạng tín hiệu mệnh lệnh được phát ra bởi các cơ quan “chỉ huy cao cấp”, luôn được tiếp nhận một cách “ưu tiên” và “thực hiện nhanh chóng”.

Hợp chất này từng được coi là thần dược vì hiệu quả điều trị tốt trong các bệnh liên quan đến rối loạn viêm và rối loạn miễn dịch như: Viêm khớp (rheumatoid arthritis), ngứa, dị ứng nặng (allergies), suyễn (asthma), các vấn đề về viêm da… Đồng thời, được sử dụng trong việc chống thải loại khi cấy ghép cơ quan.

“Gần đây, Dexamethasone (một loại thuốc thuộc nhóm này) cũng cho thấy hiệu quả trong việc giảm tử vong ở người bị Covid-19 nặng do cơ chế giảm viêm. Tuy nhiên, đến nay, việc ứng dụng của chúng cũng còn nhiều hạn chế.

Dù rằng, hiệu quả kháng viêm rất tốt, nhưng các “phản ứng phụ nguy hiểm” của chúng cũng quá nhiều khi sử dụng liều cao hoặc trong thời gian dài”, TS Vũ cảnh báo.

Chuyên gia lý giải, khi được đưa vào cơ thể, corticoid tác động lên các con đường liên quan đến điều hòa phản ứng viêm và miễn dịch. Đồng thời, tác động lên các con đường biến dưỡng và điều hòa khác qua cơ chế trực tiếp ảnh hưởng lên bộ gene. Hoặc, qua các thụ thể trong, hay trên màng tế bào để kích hoạt các con đường truyền tín hiệu dẫn đến sự rối loạn cân bằng trong cơ thể.

Sự rối loạn này gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, như giữ nước, mệt mỏi, tiểu đường, khó lành vết thương, teo cơ, đục thủy tinh thể (cataracts), tăng huyết áp, tổn thương gan, loãng xương (osteoporosis), chậm lớn…

Do vậy, chuyên gia khuyến cáo, việc sử dụng các thành phần thuốc có chứa corticoid luôn cần được cẩn trọng và cân nhắc bởi bác sĩ điều trị. Việc sử dụng cần được hạn chế ở mức tối thiểu về thời gian và liều lượng.

Người bệnh sử dụng các thuốc này cũng cần được giải thích kỹ về các nguy cơ tác hại của thuốc. Đồng thời, cần dừng lại ngay khi có triệu chứng phụ nguy hiểm xảy ra.

“Việc sử dụng các thuốc có thành phần corticoid nên thận trọng. Vì đây là một dạng hormone của cơ thể chúng ta, nên chúng thường được xem là những tín hiệu cao cấp có sức ảnh hưởng lớn đến các con đường biến dưỡng và điều hòa phức tạp trong cơ thể.

Nó có thể cho hiệu quả nhanh, mạnh, nhưng ngược lại cũng có thể đem lại những hậu quả nặng nề. Việc sử dụng chúng nên cân nhắc cẩn thận và cân đối giữa lợi ích và nguy cơ”, TS Nguyễn Hồng Vũ khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.