Teo cơ tứ chi vì lạm dụng thuốc chứa corticoid

GD&TĐ - Corticoid là nhóm thuốc chống viêm, giảm đau mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch.

Bệnh nhân teo cơ tứ chi, béo bụng... do lạm dụng corticoid. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân teo cơ tứ chi, béo bụng... do lạm dụng corticoid. Ảnh: BVCC.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân lạm dụng, loại thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ, như đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, thay đổi kiểu hình Cushing, suy tuyến vỏ thượng thận.

Mới đây, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thông tin, tình trạng lạm dụng corticoid có xu hướng tăng lên trong thời gian qua và vô cùng đáng báo động.

Theo đó, bà D.T.K (61 tuổi, ở Bắc Ninh) là bệnh nhân nội trú đang điều trị tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường tuýp 2 cách đây 1 năm (đang duy trì tiêm insulin hằng ngày), đau khớp gối phải khoảng 10 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân nhiều lần tiêm khớp không rõ thuốc và sử dụng thuốc nam để điều trị đau khớp theo kinh nghiệm truyền miệng.

Gần đây, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, ăn uống giảm, sút 7kg trong một tháng nên đã đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai. Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bệnh nhân có biểu hiện kiểu hình Cushing: Teo cơ tứ chi, béo bụng, rạn da vùng bụng, da mỏng, dễ xuất huyết... và suy tuyến vỏ thượng thận. Nguyên nhân là do lạm dụng các thuốc có chứa corticoid để điều trị bệnh lý khớp trong thời gian dài. 

Sau 20 ngày điều trị, hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần được tiếp tục theo dõi và thăm khám định kỳ, bởi những tác dụng phụ do corticoid gây ra.

Một trường hợp khác cũng bị suy tuyến vỏ thượng thận do lạm dụng corticoid là bà N.T.H (72 tuổi, ở Hải Dương). Bà H vào viện ngày 22/10 với biểu hiện mệt mỏi nhiều, yếu nửa người trái. Theo bác sĩ, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp 10 năm, suy thận 2 năm. 

Bên cạnh đó, vài năm gần đây, bệnh nhân có thêm biểu hiện đau khớp gối 2 bên và cột sống thắt lưng. Do đó, bà đã tự mua thuốc thấp khớp gia truyền dạng viên hoàn uống hằng ngày. Cách đây một năm, bệnh nhân cũng đã được chẩn đoán suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid, đang điều trị Hydrocortisone 15mg/ngày.

Chia sẻ về những trường hợp này, ThS.BS Phạm Thị Lưu - Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid, đang được điều trị tại Khoa Nội tiết và Đái tháo đường”.

Theo chuyên gia này, trung bình một ngày, có thể có đến 1/3 số bệnh nhân nhập viện tại khoa có tình trạng lạm dụng corticoid. Do đó, ThS.BS nhấn mạnh, tình trạng này thực sự đáng báo động.

Dược sĩ Cao Thanh Tú - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec khuyến cáo, với thuốc corticoid dạng uống (viên, siro...), người bệnh nên dùng với thức ăn để hạn chế kích ứng dạ dày. Tuy nhiên, không nên ngừng thuốc đột ngột nếu đã dùng corticoid trong thời gian dài.
Việc ngừng thuốc đột ngột có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Do đó, chuyên gia y tế sẽ hướng dẫn người dùng cách giảm liều thuốc từ từ trước khi ngừng hẳn. Thông thường, quá trình này kéo dài vài tuần để cơ thể có đủ thời gian khôi phục lại khả năng sản xuất hormone tự nhiên.
Trong khi đó, với corticoid dạng kem bôi hoặc mỡ dùng ngoài da, dược sĩ Tú cho biết, chỉ nên dùng một lượng nhỏ đủ để bao phủ lớp mỏng lên vùng da bệnh. Nhờ đó, tránh quá nhiều thuốc hấp thu vào cơ thể, gây tác dụng phụ. Người bệnh lưu ý, không nên băng vùng bôi thuốc. Tránh bôi vào vùng da trày xước, không lành lặn hoặc vùng da thường xuyên bị cọ xát.
Dược sĩ Tú cho biết, corticoid dạng hít thường không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ thường gặp (nấm miệng, khàn giọng) có thể dự phòng dễ dàng bằng việc thực hiện đúng kỹ thuật xịt hít và súc miệng sau khi dùng thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.