Thuốc diệt cỏ liên quan chặt chẽ tới vi khuẩn kháng kháng sinh

Thuốc diệt cỏ Glyphosate,2,4-D và dicamba có thể khiến vi khuẩn kháng những loại thuốc kháng sinh thông thường.

Thuốc diệt cỏ liên quan chặt chẽ tới vi khuẩn kháng kháng sinh

Điều mà khoa học ít lưu tâm

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho hay, đang tiến hành phân tích thuốc trừ sâu có chứa glyphosate- được sử dụng rộng rãi nhất tại Hoa Kỳ, và cũng là chất có thể gây bệnh ung thư ở con người.

Một nghiên cứu mới được công bố bởi Hiệp hội vi trùng học và vi sinh học Hoa Kỳ trên tạp chí mBio đã chỉ ra mối tương quan giữa glyphosate cùng hai loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi là 2,4-D và dicamba với vấn đề nổi cộm của ngành y tế hiện nay: kháng kháng sinh.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng, việc tiếp xúc với các chất diệt cỏ đang được quảng cáo rộng rãi hiện nay có thể khiến các loại vi khuẩn phản ứng với một số loại kháng sinh, bao gồm ampicillin , ciprofloxacin và tetracycline , đây là những loại thuốc kháng sinh phổ biến để điều trị các loại bệnh nguy hiểm.

Thuốc diệt cỏ Dicamba, 2,4-D và glyphosate được sử dụng hàng thập kỷ nay, vậy tại sao nó gián tiếp gây ra phản ứng kháng thuốc kháng sinh và chưa từng được giới khoa học lưu tâm trước đây?

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Jack Heinemann , Giáo sư di truyền học của trường Đại học Canterbury tại New Zealand, khi các loại thuốc diệt cỏ được thử nghiệm về các hiệu ứng có hại, “các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào độc tính chết người của những loại thuốc này”.

Nói cách khác, các nhà nghiên cứu chỉ tập trung vào việc chất hóa học có tác dụng diệt các loại sinh vật và tác dụng tới cơ thể con người như thế nào.

Heinemann cho hay: “Điểm khác biệt trong nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu tác dụng phụ của thuốc diệt cỏ. Điều kiện nghiên cứu là sau khi tiếp xúc với thuốc, các vi khuẩn vẫn còn sống”.

Phat hien moi: Thuoc diet co lien quan chat che toi vi khuan khang khang sinh - Anh 1

Thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi trên thế giới

Kết quả những nghiên cứu trước đó của các nhóm nghiên cứu khác nhau cho thấy những chất hóa học tương tự như dicamba và 2,4-D có thể gây ra kháng kháng sinh.

Vì thế, Giáo sư Heinemann cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu tỉ mỉ xem liệu các loại thuốc diệt cỏ có tạo ra những hiệu ứng tương tự hay không.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Heinemann còn nghiên cứu thêm glyphosate bởi đây là thuốc diệt cỏ có tính chất hóa học khác hai loại trên. Tuy nhiên, phát hiện đáng ngạc nhiên là glyphosate cũng tạo ra chất kháng kháng sinh.

Giáo sư Heinemann giải thích cho hiện tượng này, bởi những loại thuốc diệt cỏ không phải là chất “siêu độc” đối với vi khuẩn. Vi khuẩn E. coli và Salmonella không bị tiêu diệt hoàn toàn ở mức độ mà các chất hóa học thường được sử dụng để tiêu diệt cỏ dại.

Thay vào đó, vi khuẩn vẫn còn sống khi hoạt hóa với các chất protein được ví như “cái bơm” nhằm bảo vệ cơ thể khỏi các chất độc. Và cơ chế bảo vệ này có thể giúp vi khuẩn tăng sức đề kháng với những chất độc hại trong cơ thể.

Khiến vi khuẩn mạnh hơn hoặc tăng tác dụng của thuốc kháng sinh

Các nhà khoa học hiểu rằng, việc lạm dụng thuốc kháng sinh ở người có thể làm giảm hiệu quả của thuốc kháng sinh. Giáo sư Heinemann cho biết vi khuẩn cũng vậy, tiếp xúc với thuốc diệt cỏ khiến vi khuẩn gây bệnh mạnh hơn.

Mặc dù nghiên cứu này chỉ xét về các vi khuẩn gây bệnh cho con người, kháng sinh được nghiên cứu trong phạm vi là những loại thuốc được sử dụng rộng rãi để chống nhiễm trùng và ba loại thuốc diệt cỏ phổ biến trên toàn thế giới.

Giáo sư Heinemann cũng nhấn mạnh rằng, những loại thuốc trừ cỏ khác nhau có phản ứng khác nhau với thuốc kháng sinh. Trong khi cả ba loại thuốc diệt cỏ nêu trên đều tạo ra kháng kháng sinh đối với một số loại thuốc kháng sinh, một số loại thuốc khác không có phản ứng hoặc làm tăng tác dụng của thuốc kháng sinh.

Mặc dù vậy, nghiên cứu có thể gây nhiều tranh cãi, theo Tiến sĩ Mark Silby- trợ giảng môn sinh vật học tại trường Đại học Massachusetts Dartmouth, đã nghiên cứu “theo giao thức thành lập” và các tài liệu khoa học hiện có hỗ trợ cho kết quả nghiên cứu.

Tiến sĩ Michael Hansen, cựu nhân viên của Hiệp hội người tiêu dùng (Consumers Union) cho hay, đây là một nghiên cứu được đầu tư công phu. Nghiên cứu này rất quan trọng, thể hiện phản ứng phức tạp giữa thuốc diệt cỏ và thuốc kháng sinh.

Vi khuẩn phản ứng với chất độc hại, trong trường hợp này là thuốc diệt cỏ, đã được biết đến. Điều đặc biệt và quan trọng là, nghiên cứu đã nhắm tới góc độ “vi khuẩn chưa bị tiêu diệt” khi tiếp xúc với kháng sinh và thuốc diệt cỏ.

Thuốc diệt cỏ sử dụng trong nghiên cứu được mua tại một cửa hàng địa phương và được sử dụng theo đúng liều lượng được chỉ định, điều đó có nghĩa là các nhà khoa học đã thử nghiệm những chất hóa học được sử dụng rộng rãi, không phải là một loại thuốc đặc biệt được điều chế trong phòng thí nghiệm.

Phat hien moi: Thuoc diet co lien quan chat che toi vi khuan khang khang sinh - Anh 2

Vậy tác dụng của các loại thuốc này đối với con người như thế nào?

Giáo sư Heinemann cho hay: “Những loại thuốc trừ sâu được sử dụng để nghiên cứu là loại thường gặp”. Người Mỹ sử dụng thuốc glyphosat cho 94% diện tích trồng đậu tương và 89% diện tích trồng ngô, trong khi đó, 2,4-D là loại thuốc diệt cỏ phổ biến thứ ba tại Mỹ, dicamba phổ biến thứ 5 trên toàn thế giới.

Theo Hansen, kết quả nghiên cứu của giáo sư Heinemann cho thấy có thể khả năng thuốc diệt cỏ tiếp xúc với thực phẩm cũng gây ra phản ứng tạo ra kháng kháng sinh, và cần quan tâm tới những vùng sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ. Nông dân, công nhân nông trường, và người dân sống tại vùng nông thôn là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cần phải cân nhắc tới một loại thuốc diệt cỏ mới được duyệt dùng gần đây, loại thuốc được kết hợp giữa glyphosate và 2,4-D cùng với đỗ tương, hạt bông với mục đích cạnh tranh với thuốc dicamba, hy vọng tăng số lượng tiêu dùng.

Thuốc diệt cỏ chứa chất kháng kháng sinh có ảnh hưởng tới ong mật vì thế chúng được sử dụng trong nuôi ong mật với mục đích thương mại.

Theo Giáo sư Heinemann “ Việc trộn lẫn giữa thuốc kháng sinh và thuốc diệt cỏ có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc kháng sinh”, và vì thế ảnh hưởng tới sức khỏe của ong mật.

Trong khi đó, Monsanto không đồng ý với thông cáo của WHO về thuốc diệt cỏ glyphosate. Trang wed của công ty cho biết “Toàn bộ những loại thuốc diệt cỏ chứa glyphosate đều an toàn với sức khỏe con người và được chứng minh bằng hàng loạt dữ liệu về sức khỏe con người trên toàn thế giới”.

Không chỉ Monsanto mà tất cả các nhà sản xuất thuốc diệt cỏ đều không hưởng ứng nghiên cứu mới của mBio. Tuy nhiên Hội đồng Thông tin công nghệ sinh học (Council for Biotechnology Information) thông báo trên trang wed “GMO Answers” hồi mới đây rằng, glyphosate từng được dùng như một loại thuốc kháng sinh nhưng “nồng độ dùng làm thuốc kháng sinh để diệt vi khuẩn tương đối cao và đã tạo ra kháng thể”.

Nói cách khác, hiện tượng mà Heinemann và đồng nghiệp của ông nghiên cứu hoàn toàn không gây bất ngờ.

Theo SK&ĐS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.