Thuốc đặc trị Covid-19 không giảm vai trò của vắc-xin

GD&TĐ - Các loại thuốc điều trị Covid-19 được cho là mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số người lo ngại về tính an toàn của thuốc vì cơ chế dựa trên “tạo đột biến” cho gen của virus.

Molnupiravir khiến các protein của virus tạo ra sau đó bị hỏng.
Molnupiravir khiến các protein của virus tạo ra sau đó bị hỏng.

Kết quả khả quan

3 loại thuốc kháng virus được bổ sung vào Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bộ Y tế ban hành ngày 6/10 bao gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng. Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình. Monulpiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ với lưu ý liều dùng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Bộ Y tế cũng thông tin về kết quả Chương trình thí điểm sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, thể không triệu chứng điều trị tại các cơ sở y tế, khu cách ly, khu thu dung điều trị và tại nhà.

Kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 đã công bố trên thế giới cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Đặc biệt, giảm tải lượng virus rõ ở bệnh nhân thể nhẹ và không triệu chứng sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Kết quả đánh giá giữa kỳ của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ và vừa tiến hành tại Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Phổi Trung ương, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tính an toàn và hiệu quả thuốc.

Bộ Y tế đã cho phép triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh từ giữa tháng 8. Hiện, chương trình đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc.

Tạo đột biến gen virus

Chia sẻ về các loại thuốc điều trị Covid-19, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) cho biết, các thuốc đặc trị virus được cấp phép sử dụng hiện nay còn ít. Những loại thuốc đó cũng gây nhiều tranh cãi về hiệu quả hoặc lo ngại về tính an toàn.

Tuy nhiên, virus xâm nhập vào tế bào, sử dụng vật chất trong tế bào để tạo ra chúng. Do vậy, theo chuyên gia này, việc tìm ra các chất đặc trị để không làm ảnh hưởng đến tế bào là rất khó.

“Hoạt chất chính trong thuốc là chất β-D-N4-hydroxycytidine (gọi tắt là NHC) triphosphate. Chất này có khả năng cạnh tranh với 2 trong 4 cơ chất khi virus tổng hợp gen của nó là C (cytidine triphosphate) và U (uridine triphosphate).

Do vậy, khi có sự hiện diện của thuốc Molnupiravir, thay vì sử dụng C hoặc U, nó sẽ có xác suất sử dụng “nhầm” hợp chất “NHC triphosphate” và dẫn đến đột biến gen của virus. Đột biến này khiến các protein của virus tạo ra sau đó bị hỏng nên virus sẽ không sinh sản được”, TS Vũ cho biết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, vẫn có nhiều lo ngại về tính an toàn của thuốc vì cơ chế dựa trên “tạo đột biến” cho gen của virus. Ngoài ra, một số người lo thuốc có thể làm ảnh hưởng lên quá trình tổng hợp gen của tế bào cơ thể, gây nên đột biến gen không mong muốn và dẫn đến ung thư.

“Remdesivir cũng là một loại thuốc dựa trên cơ chế này. Tuy nhiên, thay vì cạnh tranh với 2 loại cơ chất như Molnupiravir, nó chỉ cạnh tranh với 1 cơ chất là A (adenosine triphosphate)”, TS Vũ nêu.

Ngoài ra, hãng dược phẩm Pfizer cũng thông báo đang nghiên cứu một loại thuốc mới, có thể làm giảm 89% người mắc Covid-19 nhập viện, nếu bắt đầu điều trị trong 3 ngày từ khi có triệu chứng. Loại thuốc này được thiết kế dựa trên cơ chế ức chế một loại enzyme có tên là “protease”, enzyme này được virus sử dụng “để cắt nhỏ” các protein được tạo ra khi virus xâm nhập tế bào.

TS Vũ cho biết, thuốc điều trị của Pfizer ngăn cản hoạt động của enzyme protease. Do đó, virus sẽ không có sản phẩm protein cuối cùng có hoạt tính cần thiết để tiếp tục biến dưỡng, sinh sản.

“Nghiên cứu thuốc để điều trị virus là một con đường nhiều chông gai. Sử dụng thuốc để điều trị virus cũng luôn cần được cẩn trọng, cân nhắc giữa “nguy cơ và lợi ích” trong từng hoàn cảnh. Ngoài ra, việc có thuốc đặc trị virus không làm vai trò của vắc-xin giảm vì ‘phòng bệnh vẫn luôn tốt hơn việc chữa bệnh’”, TS Nguyễn Hồng Vũ nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mẫu viên nang điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu: Xấu hổ, vông nem, hậu phác nam và cam thảo nam.

Viên nang dược liệu chữa mất ngủ

GD&TĐ - Các nhà khoa học Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu bào chế viên nang hỗ trợ điều trị mất ngủ có thành phần từ dược liệu.
Minh họa/INT.

Phê bình nghệ thuật đang ở đâu?

GD&TĐ - Một thực tế khá phổ biến trong đời sống sinh hoạt nghệ thuật là các nhà phê bình lặng lẽ “đi trốn”, phó mặc “sân chơi” truyền thông, mạng xã hội.
Với tư cách ông bà, bạn có rất nhiều điều để cống hiến cho các thế hệ trẻ trong gia đình mình. (Ảnh: ITN)

Kỹ năng giúp ông bà gần gũi cháu

GD&TĐ - Hãy cùng khám phá những lợi ích của việc kết nối với thế hệ trẻ và cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh, giàu cảm xúc với con cháu của bạn.