Thuế tiêu thụ đặc biệt không thể chịu chung một mức như nhau

GD&TĐ - Theo Phó Chủ tịch VAFI, các lý lẽ quan điểm ủng hộ việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp là hoàn toàn không khả thi.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Cách tính hỗn hợp không đảm bảo cạnh tranh

Theo nguồn tin của phóng viên, ngày 4/11, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các bộ, ngành liên quan góp ý về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Trong văn bản, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch VAFI đã đưa ra phản biện những quan điểm ủng hộ việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp.

Trước đó, VAFI cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để phản đối phương án tính thuế hỗn hợp, vừa bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối với mặt hàng rượu, bia.

Theo ông Hải, giới đầu tư tài chính bày tỏ lo ngại việc doanh nghiệp lớn nhất ngành bia ở vị trí thống lĩnh thị trường sẽ được hưởng nhiều lợi thế về ưu đãi thuế và cạnh tranh nếu chuyển cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ phương pháp tương đối sang hỗn hợp.

Đồng thời, tất cả các doanh nghiệp ngành sản xuất bia Việt Nam sẽ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều hơn và mất lợi thế cạnh tranh so với doanh nghiệp thống lĩnh thị trường do có sự chênh lệch về giá bán quá cao.

Ông Hải phân tích, trong ngành sản xuất bia Việt Nam, cho dù là dòng bia đại chúng giá phổ thông hay bia phân khúc trên phổ thông giá cao đều có quy trình sản xuất với máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất theo các quy chuẩn giống nhau nên mang lại sản phẩm đạt chất lượng và an toàn thực phẩm như nhau, nồng độ cồn thấp (99% các sản phẩm bia tiêu thụ tại Việt Nam có độ cồn phổ biến từ 4,0% đến 5,3%).

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).

Về đảm bảo chất lượng, 4 công ty bia lớn tại Việt Nam như: Heineken, Sabeco, Habeco hay Carlsberg chiếm 92% thị phần bia Việt Nam luôn tuân thủ quy định pháp luật và phấn đấu để đạt được các tổ chức quốc tế chứng nhận về đảm bảo chất lượng cao nhất xuyên suốt quá trình sản xuất của mình.

Mặt khác, việc áp dụng thêm mức thuế tuyệt đối tạo sự mất công bằng lớn trong ngành bia Việt Nam, bởi họ sẽ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều hơn, bị mất lợi thế cạnh tranh trong khi Heineken chiếm 38% thị phần về sản lượng và ước tính trên 51% về doanh thu toàn ngành sẽ hưởng nhiều ưu đãi về thuế.

"Chính sự mất công bằng vô lý này sẽ làm cho các doanh nghiệp ngành bia Việt Nam lâm vào cảnh thua lỗ, dẫn tới phá sản và không còn động lực đầu tư mà chỉ có phía Heineken mới có động lực đầu tư mở rộng để thôn tính thị trường bia Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.

Làm lợi cho một doanh nghiệp mà thiệt hại cả ngành bia

Cũng theo ông Hải, trong các tờ trình của Bộ Tài chính có nói việc các nước phát triển áp dụng phương pháp thuế tuyệt đối là do sản phẩm của các hãng bia không có sự chênh lệch lớn về giá bán nên không gây mất công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, điều này chỉ đúng với các doanh nghiệp lớn nhưng không đúng với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tính thuế bằng phương pháp hỗn hợp, bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm bia thì Heineken sẽ là đơn vị hưởng lợi nhất.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu tính thuế bằng phương pháp hỗn hợp, bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm bia thì Heineken sẽ là đơn vị hưởng lợi nhất.

Ông Hải cho biết, 30/38 quốc gia OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) áp dụng thuế tuyệt đối thấp hơn đối với các nhà máy sản xuất bia quy mô vừa và nhỏ.

Với cơ chế áp thuế tuyệt đối lũy tiến tăng dần theo sản lượng hàng năm họ áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn mức thuế tuyệt đối này được tăng lũy tiến theo sản lượng tiêu thụ.

"Thuế tuyệt đối thấp nhất chỉ bằng 60% so với mức tuyệt đối cao nhất dành cho các doanh nghiệp sản xuất bia có sản lượng lớn", ông Hải nói.

Theo Phó Chủ tịch VAFI, các nước tiên tiến phát triển đều có chính sách kiểm soát độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, ra sức bảo vệ khu vực doanh nghiệp yếu bằng việc áp dụng mức thuế tuyệt đối thấp hơn.

Trên cơ sở những phân tích trên, ông Hải khẳng định các lý lẽ quan điểm ủng hộ việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt bằng phương pháp hỗn hợp là hoàn toàn không khả thi.

"Chúng ta có nên ban hành một chính sách mà vô tình chỉ làm lợi cho một doanh nghiệp mà thiệt hại cho cả ngành sản xuất bia thương hiệu Việt và thiệt hại cho cả ngân sách Nhà nước, người tiêu dùng hay không", ông Hải đặt vấn đề.

Do đó, theo ông Hải, xét theo thực tiễn thì tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tương đối là khả thi nhất, đơn giản và công bằng nhất.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại là phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Thịnh, thuế là một trong những chính sách rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên phải đảm bảo nguyên tắc công bằng cho tất cả doanh nghiệp, không phân biệt lớn nhỏ.

Vì vậy, ông Thịnh đề nghị cân nhắc lựa chọn áp dụng phương pháp tính thuế, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về những điều kiện cần và đủ, phân tích rõ và đánh giá bài toán lợi ích và chi phí để đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp nhất trong từng giai đoạn phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ