Thực và ảo

GD&TĐ - Để tỷ lệ việc làm là con số thực chất, rất cần cơ chế lọc tỷ lệ ảo. Trước hết, các trường cần có minh chứng rõ ràng để xã hội tin tưởng.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Trong các lễ khai giảng, tốt nghiệp, ngày hội việc làm tổ chức gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng đã công bố số liệu về tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhà trường, thậm chí có nơi đưa thông tin khá hấp dẫn về khóa tốt nghiệp gần nhất, năm 2023.

Những con số 90%, 95%, thậm chí 100% tạo nhiều ấn tượng nhưng cũng gây không ít băn khoăn, ngờ vực từ dư luận. Trừ số sinh viên thực tế chốt được hợp đồng với doanh nghiệp trong các ngày hội tuyển dụng do trường tổ chức, nhiều người đặt câu hỏi liệu con số thống kê kia có được làm bài bản, khoa học, tin cậy hay không, hay chỉ là quảng cáo?

Bởi trước đó không lâu, công bố thông tin về tình hình lao động, việc làm 5 tháng đầu năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy bức tranh tuyển dụng, sử dụng lao động khá ảm đạm. Cả nước có hơn nửa triệu lao động mất, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương...

Số liệu về việc làm sinh viên sau tốt nghiệp không chỉ phản ánh chất lượng đào tạo của các trường, mà còn là căn cứ để Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở để doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo nhu cầu. Đây cũng là kênh tham khảo để thí sinh cân nhắc trong đăng ký tuyển sinh và cũng là dữ liệu quan trọng để đo lường tăng trưởng kinh tế đất nước. Vì vậy, tính chân thật của những con số này có ý nghĩa rất quan trọng.

Thời gian qua, nhiều trường đại học, cao đẳng tổ chức khảo sát việc làm sinh viên khá chuyên nghiệp và sẵn sàng công khai thông tin về cách làm của mình. Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đầu tư cả trăm triệu đồng/năm cho công tác này. Nhà trường kỹ lưỡng thống kê, nghiên cứu tình hình việc làm với thông tin về chỗ làm, mức lương, thời gian tìm việc sau khi ra trường.

Khảo sát được tiến hành hai đợt (trước khi sinh viên tốt nghiệp một tháng và sau đó một hoặc hai năm). Trường ĐH Công Thương TPHCM cũng bố trí đội ngũ nhân sự đến 40 - 50 người lo công tác khảo sát đối với 100% sinh viên, mỗi năm 2 đợt. Đơn vị đào tạo có trách nhiệm kiểm tra tình trạng khảo sát của sinh viên tốt nghiệp trước khi phát chứng nhận hoặc cấp bằng.

Tuy vậy, liên quan đến khảo sát tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên, nhiều trường chỉ công bố kết quả cuối cùng và thường căn cứ trên số phản hồi chứ không phải tổng sinh viên. Mẫu khảo sát không đủ lớn nên không bao quát, tỷ lệ phản hồi thấp.

Đó là chưa kể, quan điểm về có việc làm các trường khác nhau. Có trường chấp nhận công việc được ký kết hợp đồng; trường chấp nhận làm gì cũng được, miễn có thu nhập; trường lại chấp nhận có việc làm với người đang học lên cao… Một số trường tiết kiệm chi phí nên không có đội ngũ chuyên nghiệp phụ trách, giao việc cho khoa, khoa khoán cho lớp trưởng các lớp mới ra trường, gần như không có cơ chế kiểm chứng thông tin về số liệu.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường cao là tín hiệu đáng mừng thể hiện việc đào tạo đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động, song đó phải là con số thực chất. Nếu cung cấp số liệu ảo cho đẹp thì gây nhiều hệ lụy, đặc biệt là dự đoán sai về nhu cầu lao động, phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh. Thực tế cho thấy khá nhiều thí sinh chọn ngành nghề “hot”, nơi công bố tỷ lệ ra trường có việc làm cao để theo học, nhưng sau đó “vỡ mộng” vì tất cả không như thông tin trước đó.

Để tỷ lệ việc làm là con số thực chất, rất cần cơ chế lọc tỷ lệ ảo. Trước hết, các trường cần có minh chứng rõ ràng, thực chất để xã hội tin tưởng. Cơ quan quản lý cũng cần cơ chế kiểm tra, giám sát, chế tài đối với những công bố ảo. Về lâu dài, khảo sát việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp cần một đơn vị độc lập thực hiện để tạo sự khách quan, bảo đảm các số liệu thực sự có ý nghĩa thống kê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Bánh cuốn Thanh Trì

GD&TĐ - Cuối mỗi tuần, lòng nó lại thầm vui. Không phải vì chuyện được xả hơi sau những ngày học hành lu bù mà vì được thưởng thức bánh cuốn Thanh Trì.

Ảnh minh họa.

Những vần thơ tự hát trái tim yêu

GD&TĐ - Sự nhạy cảm của một trái tim trước mọi lẽ cuộc đời đã thôi thúc Xuân Quỳnh đến với con đường làm thơ và hoạt động văn học.