Kết quả khả quan hợp tác đại học với doanh nghiệp

GD&TĐ - Chính sách thúc đẩy hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp đã và đang mang lại những kết quả khả quan và có tác động tích cực tới xã hội.

Sinh viên thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa/ITN.
Sinh viên thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh minh họa/ITN.

Cử tri TP.Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp nhìn chung còn lỏng lẻo, đóng góp của doanh nghiệp vào giáo dục đào tạo gần như là số không. Do đó, hệ thống phòng thí nghiệm cho hoạt động nghiên cứu ở đại học còn ít, chưa theo kịp sản xuất, chưa hỗ trợ giải quyết có hiệu quả những khó khăn, những thách thức của nền công nghiệp trong giai đoạn hiện đại hóa.

Cử tri kiến nghị nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, góp phần là cầu nối quan trọng trong bảo đảm, nâng cao chất lượng đào sinh viên; đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thúc đẩy hợp tác đại học với doanh nghiệp là nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành liên quan, trong đó có Bộ GD&ĐT.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT tham mưu trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó có nhiều nội dung thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp như:

“Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường, nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ; có chính sách ưu đãi về thuế cho các sản phẩm khoa học và công nghệ của cơ sở giáo dục đại học; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao".

Ngày 1/1/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó có nội dung nghiên cứu và triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy kết nối nhà trường và doanh nghiệp do Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác đại học với doanh nghiệp.

Từ năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 68/2008/QĐ- BGD&ĐT ngày 9/12/2008 quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó có nêu mục đích của công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm là tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với đơn vị sử dụng lao động.

Các thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành quy định về mở ngành, xác định chỉ tiêu, xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo đều quy định vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết của việc doanh nghiệp tham gia phối hợp với cơ sở đào tạo trong quá trình đào tạo.

Bên cạnh đó, để chất lượng giáo dục đại học ngày càng tiệm cận với nhu cầu sử dụng lao động thì cần phải nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó có nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ giảng viên, trang bị đủ về cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản trị đại học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều đề án, dự án liên quan đến nội dung này như Đề án 69 về nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019-2025; Đề án 89 về nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2019-2030...

Bộ GD&ĐT cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhà trường gặp gỡ và ký kết hợp tác.

Gần đây, Bộ GD&ĐT đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia: “Nghiên cứu mô hình trường đại học đáp ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” và “Nghiên cứu luận cứ, đề xuất mô hình, chính sách nâng cao hiệu quả hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 ở Việt Nam”.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã thực hiện khảo sát tình hình hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp và nhận được kết quả là hơn 90% các cơ sở đào tạo có hợp tác với doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo không có hợp tác với doanh nghiệp chủ yếu thuộc các khối ngành lĩnh vực nghệ thuật.

Tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ trung bình 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo, trong đó có nhiều trường đại học có hợp tác với hơn 200 doanh nghiệp.

Kết quả nêu trên cho thấy việc hợp tác giữa doanh nghiệp với trường đại học tương đối chặt chẽ. Các cơ sở đào tạo đã nhận thức được sự cần thiết của việc đẩy mạnh mối quan hệ này, thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực cùng với các cơ sở đào tạo.

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc hợp tác với các cơ sở đào tạo chủ yếu tập trung ở việc tiếp nhận sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp, đồng tổ chức các sự kiện cho sinh viên, tham gia góp ý chương trình đào tạo và trao học bổng sinh viên.

Các nội dung khác như đặt hàng đào tạo, đặt hàng nghiên cứu, đồng nghiên cứu khoa học hoặc tài trợ trang thiết bị cho cơ sở đào tạo còn hạn chế. Tuy nhiên, những nội dung này cũng gặp phải nhiều khó khăn từ thủ tục trong việc tiếp nhận tài trợ của doanh nghiệp, việc quản lý và sử dụng trang thiết bị do doanh nghiệp tài trợ cũng gặp phải không ít khó khăn về mặt thủ tục hành chính và pháp lý.

Để việc hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp được mở rộng ở nhiều nội dung hơn nữa, cần có sự tác động và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý các cấp. Các cơ sở đào tạo cần xây dựng quy trình hợp tác, quy trình tiếp nhận, sử dụng và quản lý tài trợ chặt chẽ, minh bạch giúp cho việc trao tặng hoặc tiếp nhận được thuận lợi.

Có thể nói, chính sách thúc đẩy hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp nói riêng cùng với các chính sách nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở giáo dục đại học nói chung trong thời gian qua đã và đang mang lại những kết quả khả quan và có tác động tích cực tới xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...