Thực thi phải hiệu quả

GD&TĐ - Mục tiêu mà thành phố Hà Nội đề ra là đến năm 2045 hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dù cải tạo chung cư cũ đã xuống cấp, nguy hiểm được xác định là nhiệm vụ cấp bách nhưng kể từ năm 2005 đến nay, TP Hà Nội mới cải tạo được 19 chung cư cũ, chiếm 1,2% và 14 dự án đang triển khai.

Hiện, thành phố có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ trước năm 1994, chủ yếu ở các quận nội thành.

Mục tiêu mà thành phố đề ra là đến năm 2045 hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Trước mắt, hoàn thành công tác di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D và thời gian phá dỡ dự kiến thực hiện vào quý III/2023.

Kế hoạch là vậy nhưng trên thực tế, việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải kể đến là đa số hộ được hỏi đều yêu cầu hệ số bồi thường diện tích tái định cư căn hộ tại chỗ lớn hơn căn hộ cũ.

Tiếp đó là do một số hộ dân không thống nhất với cơ chế bồi thường, hỗ trợ của thành phố, nhất là các hộ tại tầng 1 có diện tích cơi nới, lấn chiếm không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ; nhiều hộ dân gặp khó khăn khi chi trả tiền cho phần diện tích tăng thêm sau cải tạo.

Ngoài ra, do cải tạo chung cư cũ cần có nguồn vốn lớn nhưng ngân sách lại hạn hẹp. Đặc biệt, do quy hoạch chung xây dựng của thành phố xác định khu vực nội thành hạn chế tầng cao và dân số nên khó thu hút nhà đầu tư.

Cần nhắc lại rằng, từ cuối năm 2021, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, thành phố cũng ban hành kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đợt 1 để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, các đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là thực hiện toàn bộ dự án cải tạo, xây dựng lại khu chung cư hoặc phân kỳ đầu tư để thực hiện; ưu tiên phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng trước.

Các chung cư còn lại thực hiện theo quy hoạch chi tiết và kế hoạch cải tạo, xây dựng lại đã được phê duyệt. Việc phân kỳ đầu tư phải bảo đảm kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội toàn khu theo quy hoạch chi tiết và nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt...

Để hoàn thành các mục tiêu, thành phố đã đề ra nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn “làm khó” việc cải tạo các chung cư cũ. Trong đó, đáng chú ý là nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về cơ chế, chính sách đặc thù; lấy ý kiến nhân dân nhằm hoàn thiện quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư với dự kiến thực hiện hệ số bồi thường gấp đôi diện tích nhà chung cư cũ.

HĐND thành phố cũng thông qua việc bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ chung cư cũ...

“Quả ngọt” đầu tiên của những chính sách này, theo Sở Xây dựng là đã có 70 nhà đầu tư đăng ký tham gia cải tạo chung cư. Tuy vậy, để đạt hiệu quả, vấn đề mấu chốt vẫn là trách nhiệm của các bên liên quan như chủ sở hữu, chủ đầu tư, các cấp chính quyền và người dân. Đặc biệt, các chính sách đã và sẽ ban hành phải hài hòa lợi ích các bên và phải được thực thi hiệu quả chứ không phải ban hành cho có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.