Nhiều vụ việc tham nhũng phải do cơ quan báo chí phát hiện thì mới tiến hành kiểm tra và xử lý theo quy định; tỷ lệ phát hiện tham nhũng của các cơ quan thanh tra, kiểm tra còn nhiều hạn chế.
Các vụ việc tham nhũng tuy đã được phát hiện nhưng khi tiến hành xử lý vẫn còn tình trạng “thí tốt giữ mã”; người tham nhũng cố tình che giấu, tẩu tán tài sản nên rất khó phát hiện và sẵn sàng chịu hình phạt của pháp luật, chứ không khai báo, giao nộp tài sản tham nhũng. Cho nên tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát ở nước ta là rất thấp.
Bên cạnh đó, hành vi tham nhũng ngày càng biến tướng, tinh vi, phức tạp; xu hướng tham nhũng chính sách ngày càng gia tăng. Nhiều vụ việc tham nhũng lôi kéo rất nhiều người tham gia, lợi dụng tập thể để quyết nghị những chính sách trái pháp luật để tham nhũng, trục lợi cá nhân…
Các vụ việc tham nhũng dạng này rất khó phát hiện, khi xử lý thì mất rất nhiều cán bộ, do đó, nhiều vụ việc tham nhũng tuy có liên quan đến nhiều người nhưng chỉ xử lý hình sự những đối tượng có vai trò chính, còn các đối tượng còn lại thì chỉ xử lý hành chính.
Đây cũng lý do dẫn đến công tác phòng, chống tham nhũng chưa phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
Với các quy định hiện hành về phòng, chống tham nhũng ở nước ta là đủ sức ngăn chặn tình trạng tham nhũng. Vấn đề đặt ra là việc thực thi các quy định đó như thế nào? Có nghiêm minh hay không? Công tác kiểm tra, giám sát có phát huy hiệu quả hay không?
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng là cần thiết để khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng được yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Nhưng dù có sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng nhiều lần đi chăng nữa nhưng việc thực thi các quy định không đầy đủ, không nghiêm túc, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn sẽ không phát huy hiệu quả.