Đại biểu Quốc hội đề xuất biện pháp bảo vệ người tố cáo

GD&TĐ - “Người tố cáo có bị đe dọa, trù dập, trả thù không? Nếu có thì có biện pháp bảo vệ người tố cáo như thế nào?” - Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – Đoàn Đắk Lắk đặt vấn đề trước Quốc hội.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Chưa có quy chế riêng bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Hiện nay, chúng ta chưa có quy chế riêng về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, những biện pháp bảo vệ họ còn chưa được cụ thể hóa nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công dân tham gia vào công tác này, xóa bỏ những rào cản, lực cản của xã hội để khuyến khích người dân, tổ chức xã hội tham gia vào phòng, chống tham nhũng tích cực hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, công dân có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Tố cáo của công dân là 1 kênh thông tin rất quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

“Tôi thấy báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tổng hợp các số liệu cần và đủ như: có bao nhiêu vụ tham nhũng do công dân báo cáo? Tỷ lệ tố cáo của công dân đúng sai thế nào? Thu hồi tài sản ở lĩnh vực này được bao nhiêu? Người tố cáo có được thưởng không và thưởng bao nhiêu?

Ngược lại người tố cáo có bị đe dọa, trù dập, trả thù không? Nếu có thì có biện pháp bảo vệ người tố cáo như thế nào?” - Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân – đặt câu hỏi: Chẳng lẽ trong một năm qua, không có công dân nào tố cáo về tham nhũng. Họ không tố cáo vì không có tham nhũng hay là họ không dám, không muốn tố cáo.

“Cả 3 góc độ này rất quan trọng, cần phải có nhận định, đánh giá một cách khách quan, thực tế. Một số người dân thực hiện tố cáo phản ánh hành vi tiêu cực tham nhũng đã bị trù dập, đe dọa” - Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nói.

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, kết quả khảo sát vừa qua, chỉ có 38% số người được hỏi trả lời là sẵn sàng tố cáo. Điều này cho thấy nhận thức và sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao.

“Tôi đề nghị phải sớm tạo ra một khung pháp lý hoàn thiện, khẩn trưởng sửa đổi, thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật Tố cáo” - Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân: Một số người dân thực hiện tố cáo phản ánh hành vi tiêu cực tham nhũng đã bị trù dập, đe dọa
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân: Một số người dân thực hiện tố cáo phản ánh hành vi tiêu cực tham nhũng đã bị trù dập, đe dọa

Ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm y tế

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, về phương hướng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng năm 2018, cần bổ sung thêm phần thanh, kiểm tra tính minh bạch, ngăn chặn hành vi trục lợi bảo hiểm y tế.

Lý do là gần đây, trên các phương tiện truyền thông và dư luận phản ánh cho thấy, Quỹ bảo hiểm y tế đang bị trục lợi một cách nghiêm trọng. Các chuyên gia ví bảo hiểm y tế như chùm khế ngọt đang được đua nhau hái.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân - cho rằng, tham nhũng lĩnh vực bảo hiểm y tế rất nguy cấp. Từ vụ Công ty VN Pharma buôn bán hàng giả là thuốc ung thư mới lộ ra câu chuyện đấu thầu thuốc chữa bệnh.

Dư luận, cử tri thật sự đau lòng và bất bình, khi chi phí cho thuốc chui được vào đến các cơ sở khám, chữa bệnh thì lại đội giá cao gấp 3 lần giá thuốc. Tham nhũng chính là ở đây. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2017, bảo hiểm xã hội đã từ chối thanh toán tới 3.000 tỷ đồng.

“Tôi xin nhấn mạnh, đây là con số 3 nghìn tỷ đồng, do việc đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ các cơ sở khám, chữa bệnh không hợp lệ. Câu hỏi đặt ra là trong số hàng nghìn tỷ đồng này, có bao nhiêu trăm tỷ bị vẽ ra để thanh toán tiền khám, chữa bệnh từ Quỹ bảo hiểm y tế” - Đại biểu Nguyễn Thị Xuân quan ngại.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân thông tin thêm: Theo đánh giá của các chuyên gia thì giá thuốc và vật tư thiết bị y tế chiếm tỷ lệ 65% chi phí khám, chữa bệnh. Do đó thất thoát do tham nhũng, trục lợi trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế chỉ cần lợi dụng một ít thôi thì thiệt hại đã vô cùng nghiêm trọng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin thì khả năng năm 2017 sẽ bội chi Quỹ bảo hiểm y tế khoảng 10 nghìn tỷ đồng, chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân sẽ bị kém đi, nguyên nhân một phần cũng từ thất thoát, trục lợi từ Quỹ bảo hiểm y tế.

Con số được giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, mỗi năm Việt Nam có trên 94 ngàn ca tử vong do ung thư, gấp hơn 9 lần số người chết vì tai nạn giao thông, khiến chúng ta giật mình, trăn trở. Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho rằng nếu chúng ta phát hiện sớm bệnh thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh sẽ ngang với họ.

Tuy nhiên, hiện nay bảo hiểm y tế chưa chi trả cho việc sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Đây là một nghịch lý, cũng là một bất cập trong thực hiện bảo hiểm y tế.

Câu trả lời cho vấn đề này, giá như chúng ta quản lý tốt, đúng ý nghĩa của bảo hiểm y tế thì vừa có ý nghĩa phòng bệnh và vừa có ý nghĩa chữa bệnh. Bảo hiểm y tế thực sự có thể chi trả khoản tiền này cho việc phát hiện sớm các bệnh, nhất là bệnh ung thư.

“Vì vậy, tôi đề nghị năm 2018 cần phải có thanh tra làm rõ, lập lại tính minh bạch, công khai trong lĩnh vực khám chữa bệnh để bảo đảm an sinh xã hội, mọi người dân được khám chữa bệnh, chăm sóc tốt hơn” - Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ