Thực tập trong trường đại học: Tiện lợi và hiệu quả

GD&TĐ - Bên cạnh việc thực tập ngoài trường, nhiều sinh viên chọn thực tập, làm việc ngay trong trường đại học.

Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP Hồ Chí Minh) - thực tập sinh chuyên ngành Biên - phiên dịch tại trường mình đang học.
Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP Hồ Chí Minh) - thực tập sinh chuyên ngành Biên - phiên dịch tại trường mình đang học.

Trong quá trình hoạt động, nhiều trường đã thành lập phòng khám, công ty, nhà hàng để vừa phục vụ cộng đồng, sinh viên lại thuận tiện trong việc trải nghiệm thực tế và thực tập.

Làm part-time tại trường

Tại Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên được tham gia thực tập, làm thêm một số công việc, vị trí tại các khoa, bộ môn nơi các sinh viên đang theo học hoặc tại một số phòng, ban.

Theo ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng ban Truyền thông IU, tùy vào nhu cầu của đơn vị, những sinh viên có thể làm thêm ở căng-tin trường hoặc các phòng ban chức năng. Ngoài ra, ở các khoa, bộ môn, vị trí trợ giảng một số môn học cũng dành cho sinh viên học lực giỏi, xuất sắc có nhu cầu được tham gia.

Phòng Quan hệ Đối ngoại, Phòng Đào tạo Đại học, Phòng Công tác sinh viên là nơi luôn dành cơ hội thực tập cho sinh viên. Trong đó, thực tập chính thức của sinh viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Ngôn ngữ Anh sẽ được tính điểm nếu đăng ký thực tập tại Phòng Quan hệ Đối ngoại và tại Bộ môn Anh với vai trò trợ giảng hoặc biên - phiên dịch. Ngoài ra, học viên sau đại học còn có chế độ nhận lương (10 triệu/tháng) nếu đăng ký làm nghiên cứu viên của nhà trường.

“Sinh viên đăng ký thực tập tại trường rất đông nhưng vị trí thực tập có giới hạn. Do đó, khi tuyển dụng thực tập, các em phải làm bài kiểm tra, phỏng vấn rồi mới được chính thức thực tập. Khi thực tập, sinh viên được các giảng viên hướng dẫn, chuyên viên có kinh nghiệm trong đơn vị phòng, ban chức năng giúp đỡ, chỉ dạy nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú…”, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP Hồ Chí Minh thực tập tại trường.
Sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP Hồ Chí Minh thực tập tại trường.

Nói về những tháng ngày được thực tập với vị trí “đại sứ” của phòng Quan hệ đối ngoại IU, Thuận Nhi – sinh viên năm 4 ngành Ngôn ngữ Anh chia sẻ: “Tôi có 6 tháng thực tập tại phòng Quan hệ Đối ngoại của trường và 2 năm làm trợ giảng cho PGS.TS Phạm Hữu Đức – Giảng viên bộ môn Tiếng Anh. Đối với một “tấm chiếu mới” thì đó là niềm tự hào. Tôi không chỉ được trau dồi vốn tiếng Anh mà còn học hỏi về cách giao tiếp, văn hóa và cả cách sắp xếp cho một chuyến công tác. Các anh chị chuyên viên rất dễ thương và tận tình chỉ bảo cho thực tập sinh…”.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP Hồ Chí Minh, việc tiếp nhận sinh viên thực tập cũng đã có từ lâu. Theo ThS Trần Nam - Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp của trường, tùy theo tình hình thực tế từng năm, các phòng, ban sẽ cân nhắc trong quá trình tiếp nhận sinh viên thực tập.

“Sinh viên của trường có thể lựa chọn thực tập trong các lĩnh vực truyền thông, biên - phiên dịch, quan hệ quốc tế, quản trị văn phòng… tại phòng, ban, khoa, trung tâm khác nhau trong nhà trường. Việc tiếp nhận thực tập sẽ phụ thuộc vào nhu cầu tại mỗi phòng, ban và năng lực của sinh viên. Trong quá trình thực tập, các đơn vị tạo điều kiện cho sinh viên được học hỏi thêm thông qua chương trình tập huấn, hội thảo, thực tế…”, ThS Trần Nam cho biết.

Là sinh viên năm cuối, Nguyễn Thị Hoàng Oanh đang làm thực tập sinh chuyên ngành Biên - phiên dịch tại Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp (OCER) của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Hoàng Oanh chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi có cơ hội thực tập tại đây. Đúng như thầy phụ trách chuyên môn từng nói, đây là một kỳ thực tập “nhẹ nhàng và đúng chuyên môn. Tôi tin đây là hành trang tuyệt vời giúp mình vững bước trên con đường sự nghiệp tương lai”.

Phòng khám Đa khoa VLMC khai trương tại Cơ sở 2 Trường ĐH Văn Lang.
Phòng khám Đa khoa VLMC khai trương tại Cơ sở 2 Trường ĐH Văn Lang.

Mở phòng khám trong trường

Các trường đào tạo y khoa truyền thống như ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch… đều có hệ thống bệnh viện, phòng khám được đầu tư bài bản vừa phục vụ cộng đồng vừa tạo điều kiện cho sinh viên thực tập.

Cuối tháng 11/2021, Tập đoàn Giáo dục Văn Lang (VLG), Trường ĐH Văn Lang (VLU) khai trương Phòng khám Đa khoa VLMC, tọa lạc tại Cơ sở 2 của VLU (số 233A Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). VLMC xác định sứ mệnh dài hạn là “Nâng tầm chất lượng cuộc sống bằng cách phụng sự cộng đồng, y tế và khoa học”.

Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng VLU, sự ra đời của Phòng khám Đa khoa VLMC sẽ mở rộng cơ hội trải nghiệm thực tiễn trong quá trình học tập và việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên khối ngành sức khỏe Trường Đại học Văn Lang (Điều dưỡng, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học, Dược học, Răng Hàm Mặt, và nhiều ngành sức khỏe khác trong tương lai).

Ngoài giờ học lý thuyết trên lớp, Hoàng Mỹ Huyên, sinh viên của khối ngành sức khỏe, Trường ĐH Văn Lang còn học thực hành tại các khu thực hành với trang thiết bị hiện đại. “Qua các kênh thông tin được biết Phòng khám đa khoa VLMC đã hoàn thiện và em sẽ có cơ hội thực hành và thực tập tại đây với trang thiết bị hiện đại và tiện nghi. Em cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc khi được học tập và trải nghiệm tại ngôi nhà Văn Lang của mình…”.

Trong khi đó, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (HSU) cho biết, thời gian qua có nhiều sinh viên thực tập và làm việc tại các đơn vị trong trường.

“Trường có công ty Sách, đồng thời có luôn cửa hàng sách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ở mảng du lịch nhà hàng khách sạn, trường có Công ty du lịch Hoa Sen, Nhà hàng Vatel… Tháng 1/2022, trường khai trương một nhà hàng và shop tại mặt tiền Nguyễn Văn Tráng (Quận 1, TP Hồ Chí Minh), giao cho sinh viên kinh doanh, đồng thời sinh viên được thực tập tại đây. Bên cạnh đó, nhiều sinh viên có thể vừa làm cộng tác viên, vừa thực tập… cho một số đơn vị trong trường…”, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy thông tin.

Nói về hiệu quả của việc thực tập tại trường, theo ThS Trần Nam, thực tập tại nơi mình đang theo học là một lựa chọn lý tưởng đối với sinh viên. Trong quá trình thực tập, các em có cơ hội học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ chính những người từng giảng dạy mình. Từ đó, thầy cô hướng dẫn có thể nhìn thấy ưu, khuyết điểm trong quá trình làm việc của từng thực tập sinh để đưa ra định hướng kịp thời.

“Tại Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, sinh viên có thể trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hướng đến sự phát triển toàn diện về cả kỹ năng lẫn kiến thức. Ngoài ra, khi thực tập tại trường, sinh viên sẽ được làm việc đúng chuyên ngành, kiến thức và kỹ năng đã được đào tạo trong suốt quá trình học đại học…”, ThS Trần Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.