Không tùy tiện cắt hợp đồng giáo viên

GD&TĐ - Thời gian gần đây, nhiều địa phương chấm dứt hợp đồng hàng loạt với các giáo viên hợp đồng khiến dư luận không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Nhà giáo là nghề cao quý được xã hội tôn vinh, quý trọng nhưng thầy, cô giáo đang đứng lớp mà nơm nớp lo sợ, có thể bị “bất ngờ” cắt hợp đồng bất cứ lúc nào là rất khó chấp nhận!

Không ít địa phương đang lạm dụng việc tuyển dụng giáo viên không theo nhu cầu thực tiễn trường học
Không ít địa phương đang lạm dụng việc tuyển dụng giáo viên không theo nhu cầu thực tiễn trường học

Cùng với việc đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì đội ngũ giáo viên hợp đồng là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng. Tại nhiều địa phương số lượng giáo viên bị chấm dứt hợp đồng hoặc nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng là rất lớn, có huyện lên đến cả ngàn người ở mọi cấp học.

Nguyên nhân chủ yếu là trước đây do thiếu giáo viên nên các địa phương ký hợp đồng “ồ ạt”, tùy tiện nhưng thời gian dài sau đó lại không có kế hoạch tuyển dụng số giáo viên hợp đồng này một cách hợp lý, đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho họ. Vì vậy, nhiều giáo viên có thời gian hàng chục năm đứng trên bục giảng nhưng không được tuyển dụng chính thức và bị chấm dứt hợp đồng khi sắp xếp, tinh giản biên chế.

Hiện nay, việc cắt giảm giáo viên hợp đồng diễn ra khá “rầm rộ”, hầu hết các địa phương đều có hàng loạt giáo viên bị chấm dứt hợp đồng. Điều này không những ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của giáo viên, mà còn tác động tiêu cực rất lớn đến môi trường giáo dục, vị trí, hình ảnh người thầy trong lòng các thế hệ học sinh và mọi người dân.

Theo chúng tôi, cơ quan chức năng cần hết sức thận trọng trong việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên. Bởi lẽ, giáo viên là nghề nghiệp đặc thù, những giáo viên lớn tuổi rất khó có thể kiếm được việc làm khác nếu không được tạo điều kiện đứng trên bục giảng. Vì thế rất cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của toàn xã hội, đặc biệt là căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện.

Cụ thể, hoàn toàn có thể căn cứ vào Luật Viên chức để tiến hành tuyển dụng đặc cách số giáo viên có thời gian công tác liên tục 36 tháng trở lên theo quy định pháp luật và tình hình thực tế địa phương. Đối với số giáo viên có thời gian công tác trên 36 tháng nhưng không thể sắp xếp, bố trí tuyển dụng đặc cách do dôi dư nên thực hiện chế độ chính sách tinh giản, thôi việc theo Bộ luật Lao động hoặc Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế như đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính.

Có như vậy, mới vừa đảm bảo quyền lợi đối với các giáo viên hợp đồng có thời gian công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người, vừa thể hiện truyền thống tôn sư, trọng đạo tốt đẹp của dân tộc ta đã xây dựng, giữ gìn hàng ngàn năm qua.

Không nên vì cố đạt được mục tiêu tinh giản biên chế mà “thẳng tay” cho ra đường một cách “ồ ạt” mà không có chế độ chính sách thỏa đáng với thầy cô giáo - những người đã cống hiến một thời, thậm chí cả tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình cho sự nghiệp giáo dục nước nhà trong thời buổi khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ