Thực hư điều trị đột quỵ bằng... cạo gió

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, việc bôi dầu nóng, cạo gió, cắt lể là những phương thức không có cơ sở khoa học trong điều trị đột quỵ.

Đột quỵ là bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Ảnh minh họa
Đột quỵ là bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời. Ảnh minh họa

Thậm chí, việc thực hiện những phương pháp đó sẽ làm chậm trễ thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện.

Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Nếu trước đây, các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa. Bệnh đột quỵ thậm chí xuất hiện nhiều ở nhóm dưới 50 tuổi.

Trong đó, các triệu chứng của đột quỵ bao gồm: Đột ngột đau đầu dữ dội, giảm thị lực, đột ngột có cảm giác tê yếu hoặc liệt ở mặt, đột ngột không nói được, giọng nói bị thay đổi, khó khăn trong phát âm.

Theo các thống kê của Bộ Y tế tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ là người trẻ và trung niên chiếm 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm. Đáng chú ý, số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Theo TS.BS Nguyễn Công Hựu - Giám đốc Bệnh viện E, đột quỵ là bệnh có thể gây tử vong cao và để lại di chứng nếu không được chữa trị kịp thời. TS Hựu dẫn chứng, số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới. Trong đó, có 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.

Đáng lo ngại hơn, nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ tuổi có xu hướng gia tăng đáng báo động, chiếm khoảng 25% các ca đột quỵ.

Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, ma túy, đi kèm với lối sống ít vận động làm gia tăng tình trạng béo phì, cũng như các bệnh lý khác.

Phương pháp dân gian không có hiệu quả

ThS.BS Phạm Nguyên Bình - Phụ trách Phó khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho hay, trong đột quỵ, có bệnh lý đột quỵ thiếu máu não (hay còn gọi là nhồi máu não). Đây là tình trạng mạch máu não bị tắc nghẽn do những huyết khối và biểu hiện là bệnh nhân nói ngọng, méo miệng, yếu liệt tay chân.

Theo bác sĩ Nguyên Bình, các dấu hiệu như đau đầu, chóng mặt thật ra không phải là các triệu chứng điển hình của bệnh lý đột quỵ. Nó có thể nằm trong các bệnh lý khác của thần kinh như: Bệnh nhân có thể bị rối loạn tiền đình, mệt mỏi, suy nhược thần kinh...

“Thực chất, thuốc tăng tuần hoàn não không giúp ích cho việc điều trị đột quỵ. Do đó, chúng ta không nên lạm dụng các thuốc tăng tuần hoàn não mà nên đến các bác sĩ để tư vấn điều trị đúng chuyên khoa”, ThS.BS Phạm Nguyên Bình khuyến cáo.

Bác sĩ Phạm Nguyên Bình chia sẻ, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân đã gặp những trường hợp xử trí ở nhà như bôi dầu nóng, cạo gió, cắt lể. Đây là những cách thường làm qua phương thức truyền miệng. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, bôi dầu nóng, cạo gió, cắt lể là những phương thức không có cơ sở khoa học trong điều trị đột quỵ.

“Khi chúng ta áp dụng những phương thức đó cho người thân, có thể không giúp được họ. Thậm chí, việc thực hiện những phương pháp đó sẽ làm chậm trễ thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện và giảm hiệu quả điều trị trong đột quỵ. Chúng ta nên tận dụng ‘thời gian vàng’ để đưa người thân đến bệnh viện nơi có đơn vị đột quỵ để điều trị càng sớm càng tốt”, ThS.BS Phạm Nguyên Bình nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Bình, trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ, một số trường hợp đã cắt lể trước đó. Tuy nhiên, thực tế, khi đến bệnh viện, với bệnh nhân có chỉ định điều trị thuốc như tiêm xử lý vùng tĩnh mạch, thì việc cắt lể gây biến chứng chảy máu. Điều đó hoàn toàn không có lợi cho bệnh nhân trong điều trị đột quỵ.

PGS.TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan như giao thông không thuận lợi, bệnh nhân ở xa trung tâm cấp cứu đột quỵ, phải kể đến những quan niệm sai lầm về sơ cứu đột quỵ vẫn còn phổ biến. Thông thường, khi thấy ai bất tỉnh, nhiều người cứ tưởng họ bị “trúng gió” và dùng những biện pháp dân gian thay vì lập tức chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Chuyên gia nhấn mạnh, các phương pháp dân gian chữa đột quỵ như chích máu 10 đầu ngón tay, nằm dốc ngược đầu, đứng một chân... hay trường hợp người nhà cho bệnh nhân uống nước đường, nước chanh hoặc thuốc Đông y... đều không được khoa học chứng minh là có hiệu quả. Việc chần chừ đưa người bệnh đi viện sẽ làm mất thời gian cấp cứu tốt nhất, để lại những hậu quả đáng tiếc.

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là từ 4 - 6 tiếng. Do đó, việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng.

Người bị đột quỵ thường gặp phải các tình trạng như: Cảm thấy mất thăng bằng, loạng choạng; Mờ hoặc mất thị lực một phần hay hoàn toàn; Khuôn mặt bị mất cân đối, chảy xệ một bên mặt, nhân trung bị lệch; Cơ thể mệt mỏi, không sức lực, khó khăn trong vận động, bị liệt một bên người.

Ngoài ra, người đột quỵ cũng có thể bị thay đổi giọng nói, khó khăn trong phát âm, nói ngọng bất thường.

Khi bắt gặp những triệu chứng trên, người dân cần gọi ngay cho số cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Để dự phòng đột quỵ và đảm bảo sức khỏe, người dân cần giữ cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên (30 phút/ngày, 150 phút mỗi tuần).

Đồng thời, có chế độ ăn đúng như: Giảm chất béo, giảm muối, tăng cường rau và trái cây. Hạn chế rượu bia và các chất kích thích. Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là duy trì điều trị ở những bệnh lý mãn tính như rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một binh sĩ quân đội Nga.

300.000 lính tình nguyện Nga tham chiến

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga mới đây thông báo rằng, hơn 300.000 binh lính đã ký hợp đồng tự nguyện để tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.