Thực hư chuyện “hô phong hoán vũ” ở California

Thực hư chuyện “hô phong hoán vũ” ở California

Những ý tưởng làm mưa

Trong lịch sử, sự xuất hiện của “những người làm mưa”, hoặc những người tin là họ có thể làm thay đổi thời tiết, bắt đầu vào đầu những năm 1800, điển hình là James Pollard Espy. Ông ta cho rằng tất cả những cơn bão đều được điều khiển bởi những dòng vận động đi lên của khí nóng, vì vậy bằng cách cho phát ra một lượng nhiệt khổng lồ, con người sẽ tạo những cơn mưa lớn.

Theo Espy, gây ra những đám cháy dữ dội từ những khu rừng là cách tốt nhất để làm mưa. Đây là một ý tưởng khủng khiếp, đến nỗi nhiều đồng nghiệp sẵn sàng hỗ trợ ông nghiên cứu làm mưa cho rằng, ông đã đưa mọi chuyện đi quá xa và họ đã rút lui dần.

Vài thập niên sau, một nhân vật khác tên là Edward Powers lại tin rằng, mưa sẽ đến thường hơn sau một trận chiến ở khu vực đó. Ý tưởng này cũng được nhiều người tán đồng và họ đã tài trợ cho các thử nghiệm liên quan đến những trận đánh giả. Kết quả cho thấy cũng có những cơn mưa xảy ra sau đó. Tuy nhiên, việc tạo ra các trận chiến khá phức tạp và tốn kém nên biện pháp làm mưa kiểu này cũng không khả thi.

Đáng kể hơn là một người đàn ông tên Charles Hatfield, tự cho mình như “cỗ máy làm tăng độ ẩm” và tuyên bố ông ta có thể gây mưa làm đầy bể chứa nước Morena, sát bên thành phố.

Charles Hatfield sinh năm 1875, khởi nghiệp với tư cách là một người bán hàng cho công ty máy may New Home. Ngoài việc bán máy may, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu cách làm ra mưa. Năm 1902, Hatfield đã pha chế một hỗn hợp gồm 23 chất hóa học khác nhau để làm mây. Công thức này được ông giữ kín nên không ai biết chúng gồm những chất gì.

Hai năm sau, Hatfield bắt đầu công việc làm mưa của mình. Ông thuyết phục được một nhóm chủ trại chăn nuôi ở Los Angeles hợp đồng làm mưa ở khu vực của họ với giá 50 USD. Với sự giúp đỡ của người anh và bạn bè, Hatfield xây một cái tháp cao 6m, đưa hỗn hợp hóa chất lên đó để phóng vào không khí.

Và điều không ngờ đã xảy ra… Chẳng bao lâu cơn mưa trút xuống. Vậy là thành công. Những người chủ trại chăn nuôi trả cho ông gấp đôi số tiền đã thỏa thuận và dường như họ chẳng quan tâm gì đến báo cáo của Cục thời tiết lúc đó, rằng trận mưa này là một phần của cơn bão dự kiến đổ bộ vào khu vực.

Mặc dù vậy, đây được xem là “thành công” ban đầu của Hatfield. Ông bắt đầu nhận được nhiều lời mời làm việc tốt hơn sau đó. Những nỗ lực làm mưa của ông cũng có đôi lúc thất bại, tuy nhiên hợp đồng làm mưa vẫn đến với ông ngày càng nhiều.

Vào tháng 12/1915, việc “cầu đảo” làm mưa của Hatfield đã lôi cuốn sự chú ý của Hội đồng thành phố San Diego, California. Năm 1915 không phải là năm hạn hán nặng ở San Diego.

Tuy nhiên, hội đồng thành phố cần nhiều mưa hơn nữa do lúc này dân số của San Diego đã phát triển đáng kể nên hạ tầng cấp nước trong khu vực không theo kịp. Dân số từ 18 nghìn trong năm 1900 đã lên đến trên 39 nghìn trong năm 1910 nên các hồ chứa nước của thành phố không đủ cung ứng cho nhu cầu của nhân dân. Đến cuối năm, bắt đầu mùa khô thì tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng.

Hatfield cam kết sẽ làm đầy tràn bể chứa nước Morena của thành phố vào cuối năm đó. Hội đồng cố vấn của thành phố San Diego đồng ý trả món tiền 10 nghìn USD nếu Hatfield làm mưa thành công (số tiền này tương đương 250 nghìn USD theo thời giá hiện nay).

Hợp đồng này dường như là một việc làm ngớ ngẩn mang tính tuyệt vọng, nhưng theo các nhà sử học, việc thuê những người làm mưa như Hatfield không phải là chưa từng có vào thời đó. TS Andy Strathman, một nhà sử học thuộc Trung tâm Lịch sử của San Diego, nói: “Thuê một người làm mưa là một trong nhiều giải pháp trong tình cảnh vô kế khả thi.

Những nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp muốn San Diego tiếp tục phát triển nhưng điều này yêu cầu phải đủ nước cung ứng. Trong khi đó, khả năng phát hành trái phiếu để phát triển hạ tầng cơ sở của thành phố còn hạn chế và tiền thu thuế thấp. Không thể bắt tay vào một chương trình nhiều tham vọng như xây đập giữ nước nên lãnh đạo thành phố tìm đến các dịch vụ của Hatfield như chơi một ván bài may rủi, ít tốn kém”.

Thành phố San Diego, California, năm 1916
 Thành phố San Diego, California,  năm 1916

Hợp đồng đổ vỡ

Thực tế, không lâu trước khi công thức phun mây hóa học của Hatfield đã mang lại kết quả hơn cả mong đợi. Một cơn mưa thực sự trút xuống vào ngày 14/1/1916. Đầu tiên, người dân hân hoan chào đón, tổ chức ăn mừng vì được giải hạn, nhưng sau đó, những trận mưa liên tục trong nhiều ngày bắt đầu nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Lượng mưa hơn 30cm trong ngày 17/1, khiến thành phố lâm vào cảnh ngập lụt. Những con đập bị tràn càng khiến người dân điêu đứng. Cầu cống, nhà cửa, đường tàu và trụ điện thoại bị nước cuốn đi. Thông tin liên lạc giữa thành phố và thế giới bên ngoài hoàn toàn bị cắt đứt.

Sau đợt mưa dữ dội này, Hatfield không được trả tiền công vì bị quy trách nhiệm liên đới về những thiệt hại mà thành phố phải hứng chịu. Hatfield khiếu nại và thành phố đồng ý thanh toán với điều kiện ông đứng ra nhận trách nhiệm về trận lụt lội này.

Hatfield không chấp nhận và kiện thành phố ra tòa nhưng bị bác bỏ. Vậy là Charles Hatfield không nhận được xu nào cho công việc của mình. Sau đó, ông còn nhận lời làm mưa nhiều nơi khác nữa, như góp phần ngăn chặn cháy rừng ở Honduras, làm đầy hồ chứa nước Big Bear ở hạt San Bernardino, California do Công ty cấp thủy Bear Valley Mutual hợp đồng…

Vào thời điểm đại suy thoái toàn cầu xảy ra năm 1929, Hatfield quay về với công việc bán máy may để mưu sinh và cuộc hôn nhân đổ vỡ do người vợ ly dị ông. Ông qua đời ngày 12/1/1958, mang theo công thức hóa học gây mưa xuống đáy mồ.

TheoHistory

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.