Câu chuyện khó tin nhưng có thật này đã khiến dư luận ở Mỹ xôn xao một thời.
Truyền thông thất bại
Buổi sáng 15/9/1930, thời tiết ở bang Missouri của Mỹ khá oi bức. Bất chấp cái nóng của mùa hè, các thành viên của Ủy ban Y tế thành phố Kansas cùng với hơn hai mươi nhà khoa học và phóng viên, đã thực hiện cuộc hành trình dài đến thị trấn nhỏ Milford bên bờ sông
Republican. Họ đến đây để chứng kiến cuộc phẫu thuật kỳ lạ do John Brinkley, người được gọi là “bác sĩ tuyến dê”, tiến hành để làm rõ một thành tựu của ông ta. Tại một phòng phẫu thuật nhỏ, phái đoàn nhìn thấy sự có mặt bác sĩ Brinkley, các nhân viên và một bệnh nhân nằm trên bàn mổ trong trạng thái tỉnh táo. Sau khi các thủ tục thông thường được trao đổi, cuộc phẫu thuật bắt đầu.
Bệnh nhân, người chỉ được giới thiệu là ông X, đã được bà Brinkley, vợ của “bác sĩ dê” tiêm thuốc gây tê cục bộ ở vùng hông. Sau đó, một người phục vụ dắt một con dê từ tầng hầm lên. Con vật khoảng 3 - 4 tuần tuổi, mà theo lời BS Brinkley, đã được đích thân ông X chọn để mổ.
Con dê đực khốn khổ được đặt trên một chiếc bàn phụ, đầu được giữ chặt bởi một nhân viên phòng mổ, phần bụng dưới được thoa dung dịch sát trùng. Trước khi con vật kịp kêu la, bà Brinkley đã dùng chiếc kéo nhỏ nhanh chóng cắt rời cặp tinh hoàn của nó.
Hai tinh hoàn mới cắt được chuyển cho BS Brinkley, lúc này đã sẵn sàng làm việc. Lấy con dao mổ, đầu tiên ông rạch hai đường trên mỗi bìu của bệnh nhân, rồi nhanh chóng đặt tinh hoàn dê vào, sau đó khâu lại vào phần mô lỏng lẻo.
Sau 45 phút căng thẳng, ca mổ được tuyên bố thành công mỹ mãn. Với sự tự hào, BS Brinkley phát biểu trước những vị khách: “Nếu bất kỳ quý ông nào có bệnh nhân cần được điều trị như thế này, chúng tôi vui lòng tiếp nhận và xử lý ở đây”.
Các thành viên của Ủy ban Y tế bang Kansas cảm ơn và ra về. Bốn mươi tám giờ sau, họ nhất trí thu hồi giấy phép hành nghề của Brinkley, với lý do ông ta hành nghề “vô đạo đức và có những hành vi thiếu chuyên nghiệp”. BS Brinkley đệ đơn kháng cáo, nhưng Tòa án tối cao Kansas đã bác đơn của ông ta. Trong tuyên bố, tòa buộc tội Brinkley “là một lang băm không có ý thức đạo đức”.
Bác sĩ Brinkley là ai?
John Brinkley sinh năm 1885 tại một cộng đồng nhỏ bé ở Beta, cách ngoại ô Sylva, Bắc Carolina, chỉ vài dặm. Cha của ông, cũng tên là John, một người dân miền núi nghèo, hành nghề y và phục vụ như một nhân viên cứu thương cho Quân đội Liên bang trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.
Sau khi học xong phổ thông, vào năm 16 tuổi, Brinkley làm công việc vận chuyển thư và sau đó là điện báo viên. Tuy nhiên, ông luôn ao ước trở thành bác sĩ. Khi chỉ là một cậu bé, ông đã ngấu nghiến cuốn sách sức khỏe gia đình và quyển dược học Materia medica của người chú.
Năm 1908, Brinkley cùng vợ chuyển đến Chicago và đăng ký học Cao đẳng Y tế Bennett, một trường không được công nhận chính thức, với các chương trình giảng dạy tập trung vào y học chiết trung (eclectic medicine). Ở trường, Brinkley được học về các chất chiết xuất từ tuyến và ảnh hưởng của chúng đối với cơ thể con người. Ông xác định lĩnh vực mới này sẽ giúp phát triển nghề nghiệp của mình.
Sau ba năm học tại đây, Brinkley buộc phải nghỉ vì thiếu tiền học phí. Ông bắt đầu làm việc như một “thầy thuốc chưa tốt nghiệp”.
Không kiếm được tấm bằng y khoa chính quy, Brinkley tìm mua chứng chỉ từ Trường Đại học Y khoa chiết trung thành phố Kansas, một cơ sở giáo dục có những hoạt động không trong sáng. Sau đó, Brinkley chuyển đến Greenville và cùng với một kẻ bịp bợm khác tên là James E.
Crawford, mở một cửa hàng thuốc bán dầu rắn cho những người đàn ông âu lo về bản lĩnh đàn ông của họ. Với 25 đô la một lần tiêm, hai người đã tiêm nước màu cho bệnh nhân và nói đó là “thuốc điện từ Đức”.
Sau hai tháng, cả hai từ bỏ công việc kinh doanh và vội vã rời thị trấn với tiền thuê nhà, hóa đơn điện nước cùng các khoản nợ chưa thanh toán. Vì điều này, Brinkley và Crawford bị cảnh sát bắt và cả hai đã phải nộp vài nghìn đô la trả nợ mới được trả tự do.
Sau đó, John Brinkley chuyển đến Judsonia, Arkansas, và kiếm được một giấy phép giả để hành nghề y, quảng cáo chuyên môn của mình là chữa “bệnh của phụ nữ và trẻ em”.
Nhờ gia nhập Lực lượng dự bị Quân y, ông dùng tiền lương hoàn trả tiền nợ học phí cho Cao đẳng Y Bennett. Sau đó, ông đăng ký vào Đại học Y khoa chiết trung của thành phố để kết thúc năm cuối cùng của chương trình giáo dục tại Bennett.
Trở lại thành phố Kansas, Brinkley nhận công việc bác sĩ cho nhà máy Swift and Company, vá những vết thương nhỏ và nghiên cứu sinh lý động vật. Chính tại đây, Brinkley biết được con vật khỏe nhất bị giết tại lò sát sinh là dê. Điều này mang lại thuận lợi cho nghề y sau này của ông.
Bác sĩ hay lang băm?
Brinkley quảng cáo ghép “tuyến dê” như một phương pháp chữa trị cho nhiều loại bệnh, từ yếu sinh lý đến mất trí nhớ, khí phế thũng đến đầy hơi. Vào thời điểm đó, ông ta đã tiến hành tới 40 cuộc phẫu thuật một tuần. Một nhà cung cấp ở Arkansas đã giao những chuyến hàng dê thường xuyên và Brinkley nhốt chúng trong chuồng phía sau phòng khám. Khách hàng được chọn con dê nào mà mình thích để lấy bộ phận ghép.
Năm 1917, Brinkley chuyển đến Milford ở Kansas, mở cơ sở khám chữa bệnh. Đóng góp của ông đối với cộng đồng địa phương trong đợt bùng phát đại dịch cúm năm 1918 được nhiều thế hệ ghi nhớ. Với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật, Brinkley đã đạt được cả danh tiếng và tiền của. Theo tự thuật, Brinkley bắt đầu phát triển nghề nghiệp, kiếm được nhiều tiền hoàn toàn do may mắn.
Một ngày của năm 1918, một người nông dân tên là Bill Stittsworth ghé phòng khám phàn nàn về tình trạng “yếu sinh lý”. Brinkley nói đùa rằng, ông ta có thể khá lên bằng cách “ghép cặp tinh hoàn dê”. Theo Brinkley, Stittsworth sau đó đã cầu xin bác sĩ phẫu thuật cho mình.
Còn gia đình Stittsworth thì nói, chính Brinkley đã chi cho người nông dân hàng trăm đô la để ông ta chịu thử nghiệm. Nhưng dù sao thì cuộc phẫu thuật cũng được cho là thành công, người nông dân lấy lại bản lĩnh đàn ông của mình.
Tin đồn lan truyền và mọi người bắt đầu đổ xô đến phòng khám để được ghép một cặp tinh hoàn dê, cả phụ nữ cũng đến để được ghép buồng trứng dê cái. Brinkley khoe, nhiều bệnh nhân đã viết thư cho ông báo cáo về một “sức sống tình dục đáng kinh ngạc”.
Năm 1923, Brinkley xây dựng đài phát thanh riêng để quảng bá dịch vụ y tế của mình. Ông nói chuyện hàng giờ trên đài phát thanh về phương pháp điều trị ghép tuyến dê, khơi gợi cái tôi của đàn ông và phụ nữ, lợi dụng sự ao ước của họ trong đời sống tình dục.
Giữa các quảng cáo của Brinkley, đài còn giới thiệu nhiều loại hình giải trí, bao gồm chương trình nhạc quân đội, các bài học tiếng Pháp, dự báo chiêm tinh, kể những câu chuyện kỳ bí.
Tuy nhiên, không phải các hoạt động của Brinkley đều kết thúc thành công, cho dù ông ta quảng cáo phương pháp của mình hiệu quả 95%. Một số bệnh nhân bị nhiễm trùng, một số đã chết, dẫn đến việc Ủy ban Y tế bang Kansas đã thu hồi giấy phép hành nghề của ông vào năm 1930, sau khi chứng kiến màn phẫu thuật kinh dị. Sáu tháng sau, Brinkley cũng bị mất giấy phép phát thanh.
Sau đó, Brinkley chuyển đến Del Rio, Texas và được chính phủ Mexico cấp giấy phép phát thanh 50.000 watt, sau đó tăng lên một triệu watt, trở thành một trong những đài phát thanh mạnh nhất hành tinh. Vào một đêm trời quang, có thể nghe thấy giọng nói của Brinkley ở tận Canada. Năm 1934, dưới áp lực của Mỹ, Mexico đã thu hồi giấy phép phát sóng của Brinkley.
Bất chấp việc bị mất giấy phép hành nghề y, Brinkley vẫn tiếp tục thực hiện các ca cấy ghép tuyến dê, cũng như thắt ống dẫn tinh và “trẻ hóa” tuyến tiền liệt, với mức phí lên tới 1.000 đô la cho mỗi ca phẫu thuật. Đến năm 1936, Brinkley tích lũy đủ tiền để xây một dinh thự cho gia đình mình trên mảnh đất rộng hơn 6 ha.
Thị trấn Milford ở bang Pennsylvania cũng được lợi từ những mánh khóe của BS Brinkley. Ông tài trợ làm những vỉa hè, hệ thống cống rãnh, bưu điện và đồng phục mới cho đội bóng Little League, lúc đó được gọi là Brinkley Goats.
Ông cũng đầu tư nâng cấp hệ thống điện, nước, mở con đường dài hai dặm đến ga xe lửa. Brinkley từng nộp đơn ứng cử vào chức vụ Thống đốc Kansas và nhận được gần một phần ba số phiếu bầu, nhưng vẫn thua cuộc.
Năm 1939, Brinkley đệ đơn kiện Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ và Morris Fishbein, người đã vạch trần mánh khóe hành nghề của ông. Bồi thẩm đoàn đã bác đơn và tuyên bố Brinkley “nên được xem là một lang băm theo nghĩa thông thường của từ đó”.
Phán quyết trên đã mở ra một loạt các vụ kiện chống lại Brinkley về phẫu thuật ghép tinh hoàn dê gây chết người. Theo một số ước tính, tổng số tiền mà ông ta phải bồi thường lên đến 3 triệu đô la.
Hai năm sau, ông tuyên bố phá sản và sức khỏe trở nên sa sút trầm trọng với ba cơn suy tim, và một cục máu đông hình thành buộc phải cắt cụt một chân. Ngày 26/5/1942, Brinkley chết vì trụy tim ở San Antonio, được chôn cất tại Nghĩa trang Forest Hill ở Memphis, Tennessee.