Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong ngành Giáo dục Quảng Ninh:

Thực hiện toàn diện qua ba giai đoạn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Ngày 27/10, sau khi dự giờ tiết dạy môn Khoa học tự nhiên tại phòng học thông minh, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Uông Bí), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dành ít phút trò chuyện với các em học sinh. Ảnh: Minh Cương
Ngày 27/10, sau khi dự giờ tiết dạy môn Khoa học tự nhiên tại phòng học thông minh, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Uông Bí), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dành ít phút trò chuyện với các em học sinh. Ảnh: Minh Cương

Ứng dụng hiệu quả trong trường học

Quảng Ninh hiện có 645 cơ sở giáo dục với trên 350.000 học sinh, gần 22.000 cán bộ, giáo viên. Đến nay, ngành GD&ĐT tỉnh đã trang bị hơn 1.400 phòng học thông minh tại 89 trường học. Từ các lớp học thông minh này, những môn học khó như Toán, Vật lý, Hóa học hay khó nhớ mốc sự kiện như Lịch sử đã trở nên dễ hiểu, khi có sự kết hợp giữa bài giảng của giáo viên và phần minh họa từ các thiết bị thông minh. Nhờ đó, những dữ kiện, mốc thời gian, nhân vật trở nên sống động, hấp dẫn hơn.

Thầy Nguyễn Quốc Phong, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Uông Bí), cho biết, trường có 34 lớp với 1.622 học sinh, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên là 75. Hiện nay, trường có 18 phòng học thông minh được trang bị camera, hệ thống loa máy, bảng tương tác, micro, máy tính xách tay cho giáo viên, đường truyền Internet… Do học hai chiều nên 18 phòng học này đáp ứng đủ cho 34 lớp.

“Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy giúp thầy cô soạn bài, thiết kế bài được thuận lợi hơn. Quá trình lên lớp đáp ứng được các nhu cầu về đổi mới. Tổ chức lớp học đa dạng và hiệu quả hơn. Đối với học sinh, các em được tiếp cận nhiều cái mới, các kỹ năng về công nghệ cũng được tăng lên. Những môn học khô khan như Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử sẽ được mô phỏng nhiều hơn dễ tiếp thu hơn”, thầy Phong nói.

Theo thầy Phong, nhà trường ứng dụng CNTT trong quản lý bằng các phần mềm, ví dụ như phần mềm dùng cho việc thi đua khen thưởng, quản lý cán bộ, cơ sở dữ liệu ngành… Nhà trường có cổng thông tin điện tử cùng hệ thống phòng Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, nhà trường có trang Facebook và Zalo riêng. Đối với giáo viên, trường đã phát động, chỉ đạo các thầy, các cô, sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng về CNTT đưa vào giảng dạy.

Em Nguyễn Thanh Thùy, học sinh lớp 6A6, Trường THCS Trần Quốc Toản, cho biết, rất hứng thú với bài giảng điện tử. Các môn học được minh họa bằng hình ảnh, clip nên dễ hình dung, từ đó hiểu bài và ghi nhớ dễ dàng hơn.

“Các môn học tạo cảm giác mới mẻ, hứng thú khi lên lớp. Em cảm giác thoải mái, không bị nhàm chán khi học. Em thấy học theo cách này cũng dễ nhớ bài hơn”, Thùy nói.

Tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) có 21 lớp học, 768 học sinh và 50 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cuối năm 2019, nhà trường được đầu tư 13 phòng học thông minh (4 phòng cấp độ 1 và 9 phòng cấp độ 2). Tại mỗi phòng đều có 1 bảng tương tác thông minh màn hình lớn, 1 máy tính của giáo viên, hệ thống âm thanh. Riêng 4 phòng cấp độ 1 còn được trang bị mỗi học sinh một máy tính xách tay, có tai nghe để tăng tính năng hoạt động cá nhân và tương tác.

Các lớp học và phòng điều hành được thiết lập mạng nội bộ để quản lý, giám sát, đồng thời kếp nối Internet... Mỗi phòng học còn được trang bị 1 camera để thầy cô chủ động ghi lại các hoạt động dạy học, kết hợp dạy trực tuyến với dạy trực tiếp, đáp ứng yêu cầu học mọi lúc, mọi nơi của học sinh, nhất là các em không trực tiếp đến lớp được có thể học lại thông qua video bài giảng mà thầy cô đã ghi lại.

Thầy giáo Phạm Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cái Rồng, cho biết, hệ thống được điều hành thông qua các phần mềm quản lý thiết bị, phần mềm quản lý trường học trực tuyến và phần mềm dạy học được cài đặt vào máy chủ tại phòng kỹ thuật, đồng bộ trong tất cả máy tính giáo viên và máy tính học sinh. Ngoài ra, thầy cô vẫn có thể sử dụng các phần mềm dạy học thay thế như Kahoot, Quizizz, Plickers, Azota, Padlet, Google form, Wordwall, PowerPoint…

“Thầy cô và học sinh rất vui mừng khi được đầu tư thiết bị hiện đại như vậy. Đây là điều kiện tốt nhất giúp thầy cô đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học để phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, từng bước thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục”, thầy Nhân nói.

Học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) sử dụng máy tính xách tay khi học tập. Ảnh: Lan Anh

Học sinh Trường THCS thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) sử dụng máy tính xách tay khi học tập. Ảnh: Lan Anh

Ba giai đoạn chuyển đổi

Trong công tác quản lý, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đã có sự chuyển mình từ rất sớm với việc ứng dụng CNTT để nâng cao hiệu quả làm việc. Từ năm 2009, phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong ngành đã được áp dụng từ Sở GD&ĐT đến các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục. Qua đó, giúp số hóa và xử lý 100% văn bản đi, đến trong ngành. 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong ngành có tài khoản, có chữ ký số để truy cập và xử lý công việc.

Sở GD&ĐT đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với Bộ GD&ĐT, các cơ quan Trung ương. Liên thông văn bản điện tử đến 13/13 phòng GD&ĐT các địa phương và toàn bộ các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hiện 13/13 phòng GD&ĐT, 89 trường học, cơ sở giáo dục các cấp được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình công nghệ video conference.

Trong suốt thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành GD&ĐT Quảng Ninh vẫn đảm bảo các cuộc họp, hội nghị, tập huấn quan trọng theo hình thức trực tuyến, đảm bảo tất cả các nội dung công việc cần triển khai trong ngành không bị gián đoạn, chậm trễ.

Ngành GD&ĐT Quảng Ninh xác định chuyển đổi số tiến hành qua 3 giai đoạn: Số hóa - ứng dụng số hóa - chuyển đổi số. Hiện nay cơ bản triển khai xong bước 1 (số hóa), đang ở giai đoạn 2 (ứng dụng số hóa). Toàn bộ thông tin của gần 22.000 cán bộ, giáo viên, trên 350.000 học sinh toàn tỉnh được quản lý bằng phần mềm. Dữ liệu này đã được chuyển tự động sang cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, Trung tâm điều hành thành phố thông minh tỉnh. Toàn bộ các trường tiểu học, THCS trong tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy. Đây là tiền đề rất quan trọng để chuyển sang bước tiếp theo, giai đoạn chuyển đổi số.

Với mục tiêu không ngừng đổi mới, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của ngành với 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thường xuyên, liên tục. 50% học sinh, 100% giáo viên phổ thông có đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến. Tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai trực tuyến đạt trên 5% ở bậc tiểu học, trên 10% ở bậc trung học. Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý giáo dục dựa trên công nghệ số và dữ liệu.

Định hướng đến năm 2030, tất cả các thành tố trong hệ thống giáo dục của tỉnh được đưa vào môi trường số và phục vụ mục tiêu cao nhất là đổi mới căn bản và toàn diện phương thức giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học của tất cả các bậc học trên địa bàn tỉnh.

Thầy giáo Phạm Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Cái Rồng, cho biết, qua 2 năm khai thác và sử dụng, toàn thể giáo viên và học sinh đã thành thạo sử dụng thiết bị, tích cực khai thác kho học liệu mở. Hiện tại 100% học sinh được học tập nội dung bài học qua tương tác với giáo viên thông qua bảng tương tác. Có sách giáo khoa điện tử và tương tác, nhận được sự trợ giúp của giáo viên, bạn học. Kết quả đánh giá chất lượng 2 mặt giáo dục đều đạt trên 98%, có nhiều học sinh giỏi, xuất sắc trong các môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường duy trì và giữ vững vị trí dẫn đầu trong các trường có cấp THCS về thành tích học sinh giỏi về văn hóa, văn nghệ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.