Thực hiện nghiêm quy trình xét duyệt GS, PGS

GD&TĐ - Ngày 1/3/2018, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã giải đáp vấn đề báo chí và dư luận quan tâm về việc xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) năm 2017. * 94 hồ sơ phải rà soát lại do có đơn thư, cần xem xét thêm 

Họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Một số lí do dẫn tới ứng viên tăng

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, trong năm 2017, số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có tăng nhiều hơn so với các năm trước bởi một số lí do:

Thứ nhất là thời gian kết thúc nộp hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2017 kéo dài thêm 6 tháng so với năm 2016. Trong 6 tháng đó số lượng ứng viên tiếp tục tích luỹ đủ điều kiện đạt tiêu chuẩn tăng lên.

Thứ hai là số lượng ứng viên có khả năng đáp ứng đủ điều kiện các tiêu chuẩn tăng lên do một số nguyên nhân, ví dụ Chính phủ có đề án cho cán bộ giảng dạy đi học tập ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Những người này được đào tạo bài bản, tích luỹ được nhiều báo cáo khoa học, các công trình nghiên cứu… dẫn tới tăng số ứng viên đủ điều kiện.

Thứ ba là thời gian gần đây, nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nhiều cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, kể cả công lập lẫn dân lập, rất chú trọng công tác bồi dưỡng đào tạo giảng viên, nâng cao chất lượng giảng viên của mình để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Do đó, giảng viên ngoài sự nỗ lực cố gắng của bản thân còn có sự hỗ trợ của nhà trường nên tích luỹ được điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

Về chất lượng khoa học các ứng viên, so với năm 2016 chất lượng năm 2017 nhìn chung có tăng lên. Đơn cử 2 vấn đề:

Thứ nhất, hiện nay việc công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí nước ngoài chưa phải điều kiện bắt buộc nhưng trong thực tế có rất nhiều ứng viên đã có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và tăng mạnh qua hàng năm. Ví dụ năm 2016, chỉ có 2.510 bài báo cáo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thì đến năm 2017 có 5.316 bài.

Thứ hai, năng lực ngoại ngữ của các ứng viên được cải thiện tăng rất nhiều, đặc biệt với những người được đào tạo học ở nước ngoài về, có người thành thạo 2 đến 3 ngoại ngữ.

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết thêm, theo kết quả xét duyệt của Hội đồng chức danh GS Nhà nước công bố ngày 1/2/2018, tổng số ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là 1.226 người trên tổng số 1.537 ứng viên, đạt tỉ lệ 79,76%. Tỉ lệ này xấp xỉ như những năm trước.

Trước ý kiến của dư luận về việc xét duyệt GS, PGS năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã yêu cầu Hội đồng chức danh GS Nhà nước, Hội đồng GS ngành, liên ngành - tổ chức, rà soát lại kĩ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Tiếp tục rà soát hồ sơ

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến chất lượng các nhà khoa học Việt Nam.

Đối với chức danh GS, PGS - là chức danh nghề nghiệp gắn với hoạt động khoa học và giảng dạy. Đây là đội ngũ rất quan trọng và là niềm tự hào của dân tộc ta. Vừa qua, sau khi Hội đồng chức danh GS Nhà nước công bố 1.226 ứng viên có đủ điều kiện và dư luận có nhiều ý kiến trái chiều, Thủ tướng đã chỉ đạo ngay: Ngày 8/2/2018, Bộ GD&ĐT, đồng chí Chủ tịch Hội đồng chức danh GS Nhà nước rà soát toàn bộ lại các ứng viên như công bố của Hội đồng.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là làm việc nghiêm túc và đánh giá chất lượng thực chất, ngay cả với vấn đề ứng viên nói là đủ giờ giảng thì giảng ở đâu, thỉnh giảng hợp đồng thế nào, khả năng ngoại ngữ ra sao...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng giao cho các Chủ tịch Hội đồng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT làm nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng về việc xét duyệt GS, PGS, sao cho đúng quy định và đảm bảo chất lượng.

Ngay sau họp báo Chính phủ, nhiều phương tiện thông tin truyền thông đưa thông tin về việc 94 hồ sơ ứng viên không đạt chuẩn đã bị để lại. Tuy nhiên, việc trích dẫn này chưa chính xác. Số lượng 94 hồ sơ nói trên là những hồ sơ rà soát, do có vấn đề về đơn thư hoặc hồ sơ chưa rõ ràng cần xem xét thêm chứ chưa thể khẳng định đó là những hồ sơ chưa đạt chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ