Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Về việc thu học phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu,quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗtrợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Theo đó, mức học phí quy định tại Nghị định số 86 là thấp và hàng năm chỉ tăng khoảng 3 - 5% theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm.
Với các hiện tượng thu học phí không đúng quy định, nhiều khoản thu không đúng quy định như cử tri phản ánh, Chính phủ đã có Công văn số 9974/VPCP-KGVX thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, yêu cầu các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của người, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.
Theo phân cấp tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, kiến nghị xử lý những sai phạm, đặc biệt là xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tình trạng lạm thu.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông để tuyên truyền cho cha mẹ HS, ban đại diện cha mẹ HS, giáo viên để hiểu rõ Điều lệ cha mẹ HS, từ đó thực hiện theo đúng quy định và không bị “lợi dụng” để thu các khoản thu trái quy định. Bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục của địa phương theo quy định; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện nghiêm việc thu các khoản thu theo đúng quy định.
Để bảo đảm chặt chẽ, minh bạch trong thực hiện xã hội hóa theo đúng quy định của pháp luật, các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện phải bảo đảm đúng tính chất tự nguyện của cá nhân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không để lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa, ban đại diện cha mẹ HS để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính cào bằng, áp đặt. Với việc thực hiện vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Về luật hóa quy định vấn đề lạm thu trong các trường ĐH theo hướng công khai rõ các khoản thu học phí, các khoản thu ngoài học phí (nếu có) theo quy định tại Khoản 5 Điều 65 về học phí và các khoản thu dịch vụ khác của Luật Giáo dục ĐH (đã được sửa đổi, bổ sung): Cơ sở giáo dục ĐH phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục ĐH; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định tại Khoản 4 Điều 97: Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quy định khung học phí hoặc mức học phí cụ thể và quyết định các khoản thu dịch vụ khác ngoài học phí (nếu có) đối với các cơ sở giáo dục công lập theo thẩm quyền quản lý Nhà nước về GD-ĐT trên cơ sở đề nghị của UBND cấp tỉnh. Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Thực hiện công bố công khai chi phí đào tạo và mức thu theo cam kết trong đề án thành lập trường, công khai cho từng khóa học, cấp học, từng năm học theo quy định.