(GD&TĐ) - Qua nhiều năm nghiên cứu, PGS.TS Hồ Xuân Cát – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng mặt trời (tỉnh Bình Dương) – Giám đốc công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Caxe (khu công nghiệp Tây An – xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng một mô hình sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời đầu tiên ở Quảng Nam, bước đầu hoạt động mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định.
Hướng về quê hương
Khi xây dựng nhà máy sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời tại Duy Xuyên, PGS. TS Hồ Xuân Cát đã thực hiện lời hứa của mình với quê hương. Sinh năm 1937 tại thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), trong những năm tháng chống Pháp, ông hoạt động cách mạng tại quê nhà, rồi tháng 11/1954, tập kết ra Bắc. Ở đây, ông thi đậu vào Học viện Nông lâm Hà Nội và được kết nạp Đảng. Cuối năm 1960, được cử làm trưởng đoàn gồm 10 sinh viên du học ở Trường Đại học tổng hợp Kỹ thuật TechrischeUniversity (Đức). Đến tháng 6/1966 về nước với chuyên ngành Lâm nghiệp chế biến gỗ.
Đã từng là giảng viên Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam (Đông Triều – Quảng Ninh), chủ nhiệm khoa Công nghệ rừng Trường CĐ Lâm nghiệp Đồng Nai; năm 1985, là chủ nhiệm khoa Lâm nghiệp Đại học Nông lâm Hồ Chí Minh, PGS. TS Hồ Xuân Cát chia sẻ: “Bao năm làm nghề giáo, nhưng tôi muốn vẫn muốn làm một cái gì đó cho quê hương. Thời gian nghỉ hưu bây giờ là thời gian thuận lợi nhất”.
Những nghiên cứu về năng lượng mặt trời (NLMT) luôn là đề tài mà ông tâm huyết. Đề tài "Sấy gỗ và đồ mỹ nghệ bằng năng lượng mặt trời" đã được Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương cấp tiền nghiên cứu; ở Đồng Nai, đề tài "Sấy cà phê bằng năng lượng mặt trời” do ông triển khai cũng được đánh giá rất cao. Ông cũng đã chuyển giao công nghệ sấy bằng NLMT cho một công ty nội thất trong Bà Rịa, một công ty ở huyện Nhơn Trạch Đồng Nai, và một công ty ở tỉnh Bình Thuận.
Năm 2004, ông thành lập công ty TNHH Kinh doanh Tổng hợp Caxe. Lúc đầu, công ty của ông chuyên về làm đồ nội thất gia đình; rồi khi thành lập trung tâm nghiên cứu ứng dụng năng lượng mặt trời tại Bình Dương vào cuối năm 2011, (cho đến nay, đây vẫn là trung tâm nghiên cứu năng lượng mặt trời ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam), ông mới chuyển hẳn sang việc kinh doanh sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời.
Công nhân đang vận hành nhà sấy |
Hiệu quả của mô hình
Từ hơn 1 năm nay, cứ có gỗ thô nhập về, ông Lê Văn Quyên (55 tuổi, chủ một xưởng gỗ ở thôn An Lạc, xã Duy Thành), đã tới nhà máy sấy gỗ của Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Caxe để sấy. Ông nói: “Lúc trước, cũng như những xưởng gỗ khác, tôi đã quen với việc sấy hơi. Nhưng khi biết tin ở Duy Xuyên có nhà máy sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời, tôi tới sấy thử, chất lượng sấy rất tốt mà giá thành lại rẻ. Từ đó, tôi hợp đồng sấy cho tới bây giờ”.
Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai mô hình sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời, Công ty Caxe đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các xưởng gỗ ở Duy Xuyên và các huyện lân cận, bước đầu có doanh thu ổn định. Từ năm 2004, khi thành lập công ty, PGS. TS Hồ Xuân Cát đã mất hết 9 năm để tiến hành một loạt những nghiên cứu nhỏ, từ mô hình nhà sấy chỉ chứa được 1m3 gỗ, để xây dựng nên 3 nhà sấy, mỗi nhà sấy có thể sấy đến 15m3 như bây giờ. Ngoài sấy gỗ, ông còn thiết kế mô hình nhà sấy, với khung nhiệt độ thích hợp để có thể sấy tất tần tật các loại nông sản, thực phẩm.
Theo PGS. TS Hồ Xuân Cát, lò sấy bằng NLMT của ông hoạt động dựa trên hai nguyên lý. Thứ nhất, đó là nguyên lý hiệu ứng nhà kính: Không cho nhiệt độ thoát ra ngoài; thứ hai, nguyên lý tấm đen: Vật nào càng sẫm màu thì hấp thụ nhiệt năng càng mạnh. Trên cơ sở đó, ở mái trên của nhà sấy, ông thiết kế những cấu kiện để tạo hiệu ứng nhà kính và một tấm đen. Tường vách được xây dựng kỹ càng, có chất cách nhiệt để đảm bảo nhà sấy không thoát nhiệt. Ông cho biết: “Nếu trời nóng chừng trên 30 độ, thì nhiệt độ của tấm đen có thể đến gần 120 độ C. Với những cấu kiện giữ nhiệt, thì ban đêm, nhiệt độ này được duy trì ổn định. Bên trong nhà sấy có hệ thống điều chỉnh nhiệt độ để đảm bảo nhiệt độ sấy cần thiết”.
Khi được hỏi về việc, nếu trong những ngày mưa gió, hàm lượng ánh sáng mặt trời rất ít, thì nhà sấy có hoạt động được không, ông cho biết: “Vấn đề này đã được giải quyết bằng nguyên lý sấy tụ ẩm”. Cụ thể, nhà sấy có bộ phận gia nhiệt bằng điện trở để nâng nhiệt độ ban đầu lên tương thích với nhiệt độ để sấy, rồi chạy máy hút ẩm, từ đó nhà sấy giữ nguyên nhiệt độ ban đầu cho đến một tuần. Bởi vậy, vào mùa đông, nhà máy vẫn hoạt động bình thường dù không có năng lượng mặt trời. “Hiện nay, nhiều nơi đã triển khai dự án năng lượng mặt trời. Và mỗi nơi mỗi kiểu. Những sự khác nhau giữa các mô hình ở chỗ là sự kết hợp giữa hai nguyên lý sấy bằng năng lượng mặt trời và sấy ngưng tụ ẩm. Sau 1 năm hoạt động, sự kết hợp của tôi đã mang lại hiệu quả như tôi mong muốn” – ông nói.
Rõ ràng, bằng việc sử dụng NLMT, mô hình sấy gỗ của PGS. TS Hồ Xuân Cát, đã không làm tổn hại đến môi trường. Nếu sấy hơi nước phải cần củi đun hay than đá, thì sấy bằng NLMT sử dụng nguồn năng lượng sạch và vô tận. PGS. TS Hồ Xuân Cát còn cho biết, nhà sấy bằng NLMT tốn rất ít nhân viên, chỉ cần 1 nhân viên vận hành 3 lò sấy là đủ, mà làm cũng chẳng lấm láp tay chân gì cả; cũng như vậy, nếu sấy hơi ít nhất có 3 nhân viên túc trực trong lò hơi. Đồng thời, sấy hơi thì cần đưa nguyên liệu cần sấy đủ một lò để sấy, còn sấy bằng NLMT thì cho dù một cây gỗ thôi thì cũng sấy được.
Tất nhiên, lò sấy NLMT cũng có nhược điểm là thời gian sấy lâu hơn sấy hơi. Nếu 1m3 gỗ mỏng khi sấy hơi cần 2 tuần thì sấy bằng năng lượng mặt trời cần đến 3 tuần. Nhưng theo PGS. TS Hồ Xuân Cát, thời gian sấy như trên không lâu lắm, vả lại, giá thành rẻ hơn nhiều: Sấy hơi cần 700 nghìn/m3 thì sấy năng lượng mặt trời chỉ tốn 250 nghìn. Nếu gỗ dày (hơn 5 phân) thì chênh lệch nhau là 1 triệu và 500 nghìn.
“Với nhiều năm nghiên cứu bên lĩnh vực sấy, tôi đã kinh qua cả sấy hơi và sấy gỗ. Trong tương lai, việc sấy gỗ bằng năng lượng mặt trời là hướng đi bền vững cho ngành Công nghiệp sấy, cắt giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, trong thời gian tới, từng bước, tôi sẽ mở rộng mô hình của mình ra nhiều nơi.” - PGS. TS Hồ Xuân Cát, khẳng định.
Mai Thành Dũng