Thay đổi nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng
Huyện Quảng Hòa, nằm ở phía đông của tỉnh Cao Bằng, cách thành phố Cao Bằng khoảng 35 km, địa bàn huyện có 97,3% là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 42,1%. Thời gian qua, nhằm đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, huyện Quảng Hòa đã triển khai đa dạng công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hoạt động này nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, về giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện thông qua việc lồng ghép tuyên truyền các nội dung Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Dân sự, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; gắn với tuyên truyền các quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hoạt động tuyên truyền được thông qua các kênh thông tin đại chúng gần gũi với đời sống của người dân như: loa, đài, các cuộc họp xóm, tổ dân phố, họp chi hội phụ nữ thôn, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em; tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình có nguy cơ tảo hôn; lồng ghép với các hoạt động trong trường học, các câu lạc bộ, tổ nhóm,...
Cùng với hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lối sống, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện còn, lựa chọn một số xóm, nhóm để thành lập mô hình thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” trên địa bàn các xã, thị trấn.
Đoàn khảo sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng làm việc tại xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. |
Cần tiếp tục quan tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp
Một thực tế tại Quảng Hòa là tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cao, trên 97% và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên 42%. Trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, nhiều tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Từ những nguyên nhân trên, năm 2015 - 2023, trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại tình trạng tảo hôn. Cụ thể theo thống kê trong giai đoạn này có 24 cặp tảo hôn, trong đó, 11 cặp tảo hôn 1 người (vợ hoặc chồng), 5 cặp tảo hôn cả hai, 8 cặp trẻ em tảo hôn (4 cặp tảo hôn 1 người, 4 cặp tảo hôn cả hai).
Tại xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, từ năm 2015 - 2023, trên địa bàn xã có 6 cặp tảo hôn, trong đó có 5 cặp tảo hôn là dân tộc Mông, 1 cặp dân tộc Tày, không có hôn nhân cận huyết thống.
Cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Phi Hải phối hợp tổ chức 8 hội nghị tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 880 người, tập huấn cung cấp thông tin 7 cuộc với 15 người tham gia.
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Cao Bằng, ông Bàn Quý Sơn cho rằng lãnh đạo huyện Quảng Hòa cần tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nâng cao công tác tuyên truyền, định hướng và kiểm soát việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội đến sự phát triển tâm sinh lý trẻ vị thành niên, tuyên truyền xóa bỏ một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng thời, thực hiện hiệu quả nội dung, nhiệm vụ của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025”.
Bình luận