Thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp trong giới trẻ

GD&TĐ - Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp… 

Thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp trong giới trẻ

Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 100% các trường cao đẳng, trung cấp có kế hoạch và tổ chức triển khai hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp.

Định hướng và mục tiêu học tập

Báo cáo kế hoạch triển khai Quyết định 1665, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (HSSV), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết: Kế hoạch sẽ làm thay đổi định hướng và mục tiêu học tập của HSSV từ thụ động chờ việc sang chủ động tự tạo việc làm sau tốt nghiệp. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hoá các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Tổng cục GDNN xây dựng mục tiêu, đến năm 2020 có 100% (950) trường CĐ và TC có kế hoạch và tổ chức triển khai hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Ít nhất 90% HSSV của 1.977 trường CĐ, TC và trung tâm GDNN-giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp. 50% (472) trường CĐ và TC có ít nhất 2 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV được hỗ trợ đầu tư nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các DN, các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Đến năm 2025 sẽ tăng cường cơ sở vật chất cho các trung tâm hỗ trợ HSSV khởi nghiệp thuộc gần 1.000 trường CĐ và TC. 70% (665) trường CĐ và TC có ít nhất 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV được hỗ trợ đầu tư nguồn kinh phí.

Để thực hiện các mục tiêu, Tổng cục GDNN đưa ra 5 giải pháp thực hiện, bao gồm: Thông tin tuyên truyền; hỗ trợ đào tạo khởi nghiệp; tạo môi trường cho HSSV khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Tạo cơ chế hỗ trợ

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Quyết định 1665, ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT cho biết: “Chúng tôi đặt ra 5 nhiệm vụ chính, cùng với truyền thông, tuyên truyền thì lãnh đạo nhà trường phải thay đổi tư duy, chương trình đào tạo để hỗ trợ HSSV khởi nghiệp. Về phía HSSV cần phải thay đổi tư duy học tập để chủ động tự tạo việc làm, chứ không phải học xong để đi xin việc.

Trong chương trình của các nhà trường cần, phải có khối lượng kiến thức khởi nghiệp cũng như phát triển không gian hệ sinh thái cho nhà trường”. Ông Dương Văn Bá cũng cho rằng, rất khó để thực hiện khởi nghiệp nếu đầu tư dàn trải. Thay vào đó là tạo cơ chế, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho nhà trường làm tư vấn khởi nghiệp.

Ở góc độ là đơn vị đã triển khai khởi nghiệp sáng tạo HSSV, ông Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Huế chia sẻ, để thực hiện khởi nghiệp sáng tạo, Trường CĐ Công nghiệp Huế đã thay đổi nhận thức, tư duy cho giảng viên; đào tạo đội ngũ giảng viên giảng dạy đổi mới sáng tạo thực sự hiểu vấn đề; xây dựng hệ sinh thái trong nhà trường. Đối với sinh viên thì phải có thái độ, kỹ năng, kiến thức về khởi nghiệp sáng tạo.

TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng: Khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề lớn, để làm được phải quyết tâm và có kế hoạch khả thi. Khởi nghiệp cho học sinh sinh viên, năm 2017, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH các Bộ ngành liên quan, trình Chính phủ đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Mục tiêu của Đề án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập tại các cơ sở GDNN. Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp.

Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhà trường cần thay đổi quan điểm hợp tác theo hướng hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, “Mang doanh nghiệp đến nhà trường - Mang sinh viên đến doanh nghiệp”, để hai bên cùng có lợi, cùng phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ