Mong muốn các nhà khoa học góp sức giải quyết các vấn đề của Thủ đô

GD&TĐ - Sáng 1/2, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã làm việc với ĐHQG Hà Nội về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong năm 2017. Cùng tham dự buổi làm việc có Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, các sở, ngành của Thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc

Phát huy thế mạnh Đại học hàng đầu đất nước

Báo cáo của Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, cho biết: ĐHQGHN đang chú trọng phát triển nhiều ngành nghề và chương trình đào tạo mới, gắn với yếu tố khởi nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, phù hợp với nhu cầu xã hội...

Cũng trong năm qua, ĐHQGHN đã đổi mới và ban hành Quy chế đào tạo tiến sĩ tại ĐHQGHN phù hợp với thông lệ quốc tế. Các trường THPT chuyên tiếp tục khẳng định uy tín vượt trội trong công tác đào tạo năng khiếu và phát hiện tài năng khoa học trẻ với 11 giải thưởng trong các kỳ thi Olympic và cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế...

Tiếp tục khẳng định vị thế hàng đầu của một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của đất nước, ĐHQGHN đứng đầu về công bố quốc tế với 560 bài báo khoa học trên hệ thống ISI/Scopus...

Các ý kiến từ ĐHQG khuyến nghị tăng cường sự hợp tác, kết nối với thành phố Hà Nội để ĐHQGHN phát huy thế mạnh hàng đầu của một trung tâm đào tạo và NCKH vào việc xây dựng và phát triển Thủ đô, Hà Nội cũng hỗ trợ để ĐHQGHN thực hiện các ứng dụng nghiên cứu, tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ ĐHQGHN thực hiện quy hoạch giải phóng mặt bằng và xây dựng tại cơ sở Hòa Lạc.

Lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá cao các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và sáng tạo, khởi nghiệp của ĐHQGHN

Lãnh đạo TP Hà Nội đánh giá cao các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và sáng tạo, khởi nghiệp của ĐHQGHN

Hà Nội quan tâm nhiều đến sáng tạo, khởi nghiệp

Sau khi nghe ý kiến từ đại diện ĐHQGHN, các quan điểm của lãnh đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, phát biểu đồng tình với việc ĐHQGHN tham gia vào các chương trình NCKH thành phố, với việc tiếp tục nghiên cứu các vấn đề đặc thù, nổi cộm.

"Chúng tôi vẫn có thể có cơ chế đặt hàng thêm trên cơ sở năng lực, thế mạnh của các nhà khoa học" - ông Chung nói.

Chủ tịch cũng chia sẻ việc ĐHQGHN cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực CLC cho thành phố; việc giải phóng mặt bằng và khu tái định cư cho ĐHQGHN; thương mại hóa sản phẩm KHCN. Các kiến nghị trên sẽ có những trao đổi thực tế cùng hướng đến mục đích tham gia phục vụ phát triển KTXH.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Hoàng Trung Hải bày tỏ mong muốn, ĐHQGHN phát huy tiềm năng, lợi thế nằm trên địa bàn Thủ đô, các nhà khoa học của ĐHQGHN cần tập trung giải quyết các vấn đề của Thủ đô trên lĩnh vực văn hóa, lịch sử, giao tiếp - ứng xử, ô nhiễm môi trường, các sản phẩm nông nghiệp, an toàn thực phẩm; Phối hợp với thành phố trong việc kết nối với các doanh nghiệp, địa phương; Bản thân thành phố và doanh nghiệp phải nêu ra xem mình cần gì, nhà khoa học đáp ứng lại được gì; Thành lập hội đồng, đưa ra ý tưởng, bố trí hỗn hợp các nguồn vốn để đầu tư ý tưởng start up, hướng đến mục tiêu phát triển.

ĐHQGHN bao gồm 07 trường đại học thành viên; 07 Viện nghiên cứu thành viên; 05 Khoa trực thuộc và các trung tâm đào tạo, đơn vị phục vụ, với đội ngũ cán bộ mạnh nhất cả nước.

Trong tổng số 3.994 công chức, viên chức, người lao động, có 2.253 cán bộ khoa học, trong đó: Tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ TS, TSKH đạt 50,6%, riêng các lĩnh vực KHTN, công nghệ và kinh tế đạt trên 70%; Tỉ lệ cán bộ khoa học có chức danh GS, PGS đạt 19% tổng số cán bộ khoa học, cao hơn khoảng 3 lần so với tỉ lệ trung bình các trường đại học trong cả nước.; Tỉ lê giảng viên cơ hữu/sinh viên đạt 1/15, gần đạt tiêu chí của đại học nghiên cứu.

Hiện nay, ĐHQGHN có 35 đơn vị đầu mối ở các lĩnh vực: KHTN, công nghệ, KHXH&NV, kinh tế, luật, giáo dục, ngoại ngữ, y dược.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.