Thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

GD&TĐ - Trên hành trình giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trước mắt đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 30% mức phát thải khí metan so với năm 2020.

Thúc đẩy sáng kiến giảm phát thải trong chuỗi cung ứng

Ngày 24/4/2024, Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI), đại diện các Bộ ban ngành tổ chức buổi trao đổi về định hướng, lộ trình, các quy định pháp luật về kiểm kê và sáng kiến cắt giảm phát thải trong toàn chuỗi cung ứng, góp phần vào mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ (Net Zero) vào năm 2050.

Sự kiện nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam, Đồng chủ tịch của VBCSD, và các đối tác chiến lược, góp phần vào mục tiêu chung của quốc gia nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đảm bảo một tương lai bền vững cho các thế hệ tương lai.

Hoạt động này đặc biệt có ý nghĩa khi thời điểm các doanh nghiệp cần thực hiện hoạt động thẩm định báo cáo kiểm kê và kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và các quy định liên quan đã có hiệu lực.

Hơn 140 đại diện đến từ các doanh nghiệp cung ứng, vận tải và hậu cần hàng đầu tại Việt Nam đã cùng tham gia thảo luận và chia sẻ với đại diện VBCSD và các chuyên gia đến từ Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), và các đơn vị tư vấn kỹ thuật.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và Bảo vệ tầng Ozone, Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và Bảo vệ tầng Ozone, Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo một khảo sát nhanh, phần lớn các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đã biết đến và mong muốn xây dựng các chương trình hành động nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và lúng túng trong việc đo đạc, kiểm kê và xây dựng lộ trình để đạt được mục tiêu giảm phát thải.

Vì vậy, chương trình trao đổi và thảo luận không chỉ nhằm mục đích cập nhật các cam kết quốc tế và của Việt Nam, cung cấp thông tin về khung quy định pháp luật có liên quan, mà còn hướng dẫn các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cách thực hiện báo cáo kiểm kê, cũng như xây dựng và hoàn thiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải hướng đến mục tiêu góp phần hiện thực hóa cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải KNK và Bảo vệ tầng Ozone, Cục biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, hoạt động này là cơ hội nhằm tăng cường sự phối hợp của các đơn vị có liên quan trong tiến trình hoàn thiện chính sách pháp luật, thúc đẩy các hoạt động ứng phó, giảm thiếu biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ tốt nhất cho phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé Việt Nam.

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé Việt Nam.

Cũng tại tọa đàm, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestlé Việt Nam đã chia sẻ về cam kết và lộ trình đạt Net Zero của tập đoàn Nestlé. Theo đó, năm 2020, Tập đoàn đã chuyển đổi hoạt động kinh doanh và bắt đầu thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên cả ba phạm vi hoạt động. Tập đoàn áp dụng hai phương pháp tiếp cận chiến lược chính giúp giải quyết vấn đề phát thải Phạm vi 3. Chiến lược “Nestlé Forest Positive” nhằm mục đích bảo tồn và phục hồi rừng và môi trường sống tự nhiên và “Khung Nông nghiệp Nestlé” nhằm thực hiện một hệ thống nông nghiệp và thực phẩm có khả năng tái tạo hơn”.

Năm 2023, Nestlé Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác công tư nhằm thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp thông qua chương trình Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV). Đồng thời chính thức khởi động sáng kiến nông lâm kết hợp trồng 2,3 triệu cây xanh tại Tây Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ