- Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm đào tạo GV của Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam?
Từ năm 2014 tới nay, Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam, bằng kinh nghiệm của mình, đã đóng góp một phần vào chương trình thực hiện các khoá đào tạo cho các giáo viên Tiếng Anh tại các trường công lập, tập trung vào các chủ đề mà các giáo viên còn thiếu.
Cụ thể như: Phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học (Classroom management); Kỹ năng trình giải trình (Presentation skills); Tiếp cận phương pháp học tập phi truyền thống (học sinh tiếp cận nội dung bài giảng trước, có thể qua online, sau đó ở lớp học sẽ thực hành và trao đổi để hiểu nội dung học tập, khác với phương pháp truyền thống là học lý thuyết trên lớp và thực hành ở nhà hoặc ngoài lớp học) - (flipped classroom approach).
Ngoài ra còn có kỹ năng Lãnh đạo thông qua thay đổi hiệu quả (Leading change); Giáo dục dựa trên kỹ năng sống(Life skill based education); Tạo môi trường học tập an toàn và hỗ trợ (Creating a safety and supportive learning environment); Giảng dạy và học tập chủ động (Active learning and active teaching); Đánh giá giáo dục (Educational assessment); Giáo dục kỹ thuật số và công nghệ trực tuyến (Digital education and online technology); Giáo dục lấy người học làm trung tâm (Student Centered Learning).
- Bằng kinh nghiệm của Trung tâm Anh ngữ Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam và trên cơ sở thực trạng còn thiếu các GV Tiếng Anh đạt chuẩn, cũng như trình độ tiếng Anh của đông đảo học sinh chưa được như kỳ vọng, theo bà, kinh nghiệm nào ở các nước mà Việt Nam nên tham khảo?
Singapore là một trong những nước chúng ta cần tham khảo. Chúng ta có thể thấy năng lực tiếng Anh của người dân Singapore rất tốt, mọi người dân ở mọi tầng lớp đều có thể giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, đó chính là nhờ chính sách của chính phủ Singapore. Bộ Giáo dục của Singapore tiến hành đánh giá định kỳ chương trình giảng dạy ngôn ngữ để đảm bảo các chương trình này tương thích với sự thay đổi, phát triển môi trường kinh tế, xã hội, tình hình sử dụng ngôn ngữ.
Ví dụ: Cải cách các giáo trình tiếng Anh qua từng thời kỳ (năm 2006 - 2010 - 2015). Xây dựng chương trình tập trung vào việc giảng dạy và đào tạo ngôn ngữ trong bối cảnh cuộc sống thực và với sự hỗ trợ của các nguồn tài nguyên giảng dạy khác nhau cũng như việc sử dụng công nghệ thông tin trong bài giảng.
Bên cạnh đó, họ còn áp dụng Chương trình hỗ trợ học tập (Leaning support program), thông qua hệ thống sàng lọc ngay từ lớp 1 tại các trường, việc hỗ trợ này được thực hiện trong 30 phút 1 nhóm từ 8 - 10 học sinh do giáo viên đạt chuẩn hướng dẫn.
Chính phủ Singapore xây dựng chính sách nghiêm ngặt về trình độ đạt chuẩn và chính sách đào tạo nâng chuẩn giáo viên; ví dụ giáo viên phải đạt 100 giờ phát triển chuyên môn mỗi năm theo chính sách tài trợ của Bộ Giáo dục. Xây dựng mạng lưới thư viện quốc gia, các phương tiện truyền thông để hỗ trợ nâng cao năng lực tiếng Anh.
- Từ thực tế và kinh nghiệm của Singapore cũng như các nước láng giềng, theo bà, cần có những chính sách và nhân tố nào thúc đẩy đào tạo GV hiệu quả?
Theo tôi, thứ nhất, nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho toàn bộ GV bằng ngân sách đào tạo kèm theo các sửa đổi về chính sách trợ cấp đào tạo cho thời gian đi học, bao gồm các chính sách bắt buộc về số giờ đào tạo chuyên môn hàng năm.
Thứ hai, xây dựng lộ trình cải cách giáo trình tiếng Anh.
Thứ ba, xây dựng chính sách phân loại xếp lớp cho GV theo cơ chế đạt trình độ chuẩn và phải đáp ứng số giờ đào tạo phát triển chuyên môn hàng năm.
Thứ tư, tại các trường phổ thông, cần áp dụng phương pháp “Phân loại xếp giờ học ngoại ngữ theo năng lực ngoại ngữ của học sinh” ở các cấp học, không theo độ tuổi hay cấp học để đảm bảo các học sinh học trong giờ học tiếng Anh có cùng năng lực ngoại ngữ với giáo viên đạt chuẩn tương thích.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!