Tháo gỡ khó khăn trong bồi dưỡng giáo viên bắt nhịp chương trình mới

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu triển khai với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021. Bồi dưỡng để giáo viên sẵn sàng bắt nhịp với chương trình mới là một trong những công việc quan trọng hàng đầu. Nhận thức rõ khó khăn, thách thức trong bồi dưỡng đội ngũ, nhiều địa phương đã có giải pháp cho vấn đề này từ thực tiễn cơ sở.

Nâng cao năng lực đội ngũ thông qua tập huấn chuyên môn. Ảnh: Đ. Chiêm
Nâng cao năng lực đội ngũ thông qua tập huấn chuyên môn. Ảnh: Đ. Chiêm

Những thách thức cần tháo gỡ

Phú Thọ là một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc với quy mô 306 trường tiểu học và trường có lớp tiểu học. Trong giai đoạn 2020 - 2024, khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, Phú Thọ sẽ có trên 160.000 học sinh với khoảng 5.000 lớp. Đội ngũ giáo viên địa phương này hiện có là 6.200 người. Để có đủ giáo viên đáp ứng chương trình mới, Phú Thọ cần có thêm 1.300 giáo viên, trong đó: 220 giáo viên Tiếng Anh, 260 giáo viên Tin học, 820 giáo viên tiểu học. Về cơ sở vật chất, cả giai đoạn cần bổ sung 436 phòng học, 228 phòng dạy Tin học, 6.000 máy vi tính.

“Lối suy nghĩ đã ăn sâu trong đội ngũ giáo viên tiểu học là dạy theo sách giáo khoa chứ chưa quen dạy theo yêu cầu cần đạt do chương trình đề ra. Đây thực sự là khó khăn, cần từng bước tháo gỡ thông qua công tác bồi dưỡng giáo viên”ông Nguyễn Thúc Sinh chia sẻ.

Ông Nguyễn Thúc Sinh – Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non & Tiểu học (Sở GD&ĐT Phú Thọ) – rất thẳng thắn khi cho biết thực trạng đội ngũ giáo viên tiểu học của địa phương mình vẫn nặng về dạy học theo lối truyền thụ kiến thức, cố gắng dạy hết các kiến thức đã có trong sách giáo khoa; cán bộ quản lý (CBQL) như hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, khi đi kiểm tra, dự giờ, thăm lớp cũng vẫn chú trọng nhận xét về truyền thụ kiến thức là chính. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đọc, nghiên cứu, thảo luận về chương trình mới nhưng cũng chỉ là bước đầu, mang tính sơ khai.

Là người đứng đầu ngành Giáo dục Nam Định, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT – đề cập đến 3 khó khăn trong công tác bồi dưỡng giáo viên: Triển khai diện rộng, số lượng giáo viên lớn; hạn chế về phương tiện, điều kiện, trình độ công nghệ thông tin của giáo viên tiểu học; hạn chế về thời gian vì giáo viên dạy lớp 1 là dạy cả ngày, không có thời gian tập trung trong năm học.

Đề cập sâu về bồi dưỡng giáo viên lớp 1, bà Hoàng Thị Lý - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hòa – cho rằng: Bồi dưỡng đội ngũ này có những đặc điểm, yêu cầu khác với bồi dưỡng giáo viên dạy học các lớp khác. Lớp 1 chưa cần chú trọng nhiều tới nội dung kiến thức mà chủ yếu là giáo viên dạy học sinh các kỹ năng sống, các hành xử hàng ngày. Đặc biệt, tập làm quen cách nghĩ và bước đầu tạo thói quen cách học, phương pháp học theo định hướng đổi mới, sáng tạo trong chương trình mới. Hiện nay, ở nhiều địa phương, các trường tiền tiểu học đã rất chú ý đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng đổi mới. Vì vậy, việc tổ chức bàn giao học sinh giữa hai loại hình giáo dục là rất cần thiết, không nên coi nhẹ.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

"Nội dung bồi dưỡng không thể dông dài, chung chung, nặng lý luận, xa vời thực tế giảng dạy thường xuyên của giáo viên dạy lớp 1. Phải tập huấn cho giáo viên trong môi trường thực hoặc giả định. Không thể bắt giáo viên phải tưởng tượng cách dạy, cách hướng dẫn học sinh hoạt động, nhất là trong môi trường dạy học “ảo”. Tuyệt đối không tập huấn theo cách cũ là dạy các tiết mẫu và giáo viên ghi nhớ, về trường áp dụng làm theo. Giáo viên cần hiểu rõ bản chất tiết dạy minh họa khi tập huấn, nhưng sau đó về trường, được vận dụng sáng tạo, tức là có thay đổi cho phù hợp với thực tế của học sinh mình, của trường mình” – bà Hoàng Thị Lý chia sẻ.

Giải pháp từ địa phương

2 năm học gần đây, chuẩn bị thực hiện chương trình mới, Phú Thọ đã chủ động mời các chuyên gia đầu ngành tập huấn, chia sẻ về dạy học phát triển năng lực cho học sinh và đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực cho CBQL, một số giáo viên cốt cán ở tiểu học. Qua các lớp tập huấn, bước đầu đội ngũ cũng có được những hiểu biết thế nào là “năng lực” và làm thế nào để dạy học phát triển được năng lực cho học sinh.

Để thực hiện đúng với mục tiêu của chương trình mới, từ thực tiễn giáo dục tiểu học Phú Thọ, ông Nguyễn Thúc Sinh cho rằng, nội dung bồi dưỡng lần này cần tập trung làm rõ nội dung trong chương trình mới, hình thức tổ chức, phương pháp và kĩ thuật dạy học; nâng cao năng lực đánh giá học sinh tiểu học. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên cần viết cụ thể, chi tiết, sát với đối tượng theo từng môn học, cấp học. Sau mỗi tài liệu cần có hệ thống câu hỏi để dẫn dắt, gợi mở cho giáo viên đọc và hiểu được tài liệu, làm theo hướng dẫn của tài liệu. Tài liệu ngoài file mềm có thể in thành sách tùy nhu cầu từng nơi.

Về cách thức bồi dưỡng, Bộ GD&ĐT đã định hướng kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Về tập huấn trực tiếp, ông Nguyễn Thúc Sinh nêu quan điểm: Qua tập huấn trực tiếp, các tỉnh hình thành được đội ngũ cốt cán các môn học và hoạt động giáo dục theo từng khối lớp và môn học, tỉnh chủ động triển khai đến cơ sở và giáo viên.

Một số nội dung mang tính nâng cao, đặc thù, tùy điều kiện thực tiễn của địa phương sẽ mời chuyên gia của ngành, trường ĐH kết hợp với đội ngũ cốt cán đã được tập huấn ở Trung ương triển khai trực tiếp đến đội ngũ giáo viên. Việc này chỉ làm khi người học nghiên cứu trước tài liệu tập huấn theo từng chuyên đề, sau đó mới mời chuyên gia trao đổi, giải đáp làm rõ thêm thì hiệu quả mới cao.

Từng đứng lớp ở tiểu học, nay là lãnh đạo Sở GD&ĐT, Bà Hoàng Thị Lý gợi ý cấu trúc bài tập huấn có thể gồm: Tìm hiểu kĩ về chương trình; Tóm lược lý luận đổi mới phương pháp; Quy trình dạy học tích cực phát triển năng lực học sinh; Áp dụng dạy học cụ thể vào bài dạy học cụ thể, môn học cụ thể, từ đó khái quát cho các bài học cùng loại trong cùng mảng kiến thức của lớp 1.

Giáo viên thảo luận nhóm về phương pháp tổ chức lớp học; học nhóm, tương tác của học sinh; đánh giá trong khi học. Sự phát triển của học sinh qua bài học. Khi thảo luận nhóm cần phát huy tính dân chủ, nghệ thuật điều hành của giảng viên để làm sao mọi học viên được nói hết những suy nghĩ của mình. Kết hợp kiến thức của giảng viên và kinh nghiệm trải nghiệm của giáo viên, nhưng tôn trọng và nhiều trường hợp cụ thể giảng viên phải nghe theo giáo viên từ thực tế dạy học của họ.

“Cùng với đó, đánh giá cách dạy, cách bồi dưỡng giáo viên qua thực tiễn đổi mới giáo dục trong thời gian vừa qua và lường trước những khó khăn, thánh thức là bài toán cần lời giải của các trường và từng giáo viên cũng là việc cần làm”bà Hoàng Thị Lý cho hay. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.