Nền tảng của công cuộc đổi mới
Là tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong toàn ngành nên thời gian qua Lào Cai nhận được sự ủng hộ và đồng thuận rất cao của người dân, cấp ủy chính quyền các cấp đối với công cuộc đổi mới GD-ĐT.
“Đây là điều rất quan trọng để địa phương thực hiện đổi mới GD-ĐT trong thời gian tới. Thành công của Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua không chỉ cho thấy sự cố gắng của toàn ngành, mà nó còn là minh chứng cho thấy những đổi mới về giáo dục toàn diện cho học sinh đã và đang đi đúng hướng khi chất lượng giáo dục được nâng lên ở mọi mặt” - ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai nói.
Nói về năm bản lề cho công cuộc đổi mới mà toàn ngành đang quyết liệt thực hiện, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng đây là “chìa khóa” để ngành tạo sự dịch chuyển lớn về chất lượng. Do đó, Bộ GD&ĐT cần sớm có hướng dẫn cho các địa phương về chuẩn bị đội ngũ các môn tự chọn để điạ phương chủ động bồi dưỡng đội ngũ đạt được các tiêu chí của Chương trình GDPT mới.
Đánh giá Chương trình GDPT mới khi thực hiện sẽ tạo sự dịch chuyển lớn về chất lượng, tư duy giảng dạy của giáo viên, kể cả cách học của học sinh với nền tảng cốt yếu là đội ngũ giáo viên, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông, sự chuẩn bị tỉ mẩn, chu đáo của Bộ GD&ĐT sẽ toàn diện hơn nếu Bộ hỗ trợ cho địa phương trong việc chuẩn hóa đội ngũ.
“Vướng mắc lớn nhất của tỉnh trong quá triển khai chương trình mới là giáo viên Tiếng Anh, cụ thể là giáo viên ở tiểu học. Chúng tôi có biên chế nhưng tuyển giáo viên dạy Tiếng Anh ở tiểu học rất khó khăn. Sau khi Luật Giáo dục mới có hiệu lực, yêu cầu giáo viên tiểu học tốt nghiệp ĐH. Việc tuyển giáo viên tiểu học tốt nghiệp đại học tiếng Anh về vùng sâu, vùng xa giảng dạy là rất khó. Bộ GD&ĐT có hướng dẫn thực hiện cũng như giải pháp hỗ trợ”, ông Toàn cho biết.
Ảnh minh họa/ Internet |
Tháo gỡ khó khăn trong tinh giản biên chế
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đưa ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.
Mục tiêu cụ thể về tinh giản biên chế đến năm 2021 là phải giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015; từ năm 2021 - 2030 phải hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới và giảm biên chế.
Tuy nhiên, nhiều địa phương cho rằng Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành khung quy định cứng về chuẩn của các phòng, ban tại Sở GD&ĐT, phòng giáo dục để công tác tinh giản hiệu quả hơn, việc chỉ đạo theo ngành dọc được thông suốt.
“Việc thực hiện Nghị quyết 18 trong tinh giản biên chế, cơ cấu lại nhân sự phòng ban cấp Sở, phòng giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn và dường như đang có hiện tượng mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Ở ngành Giáo dục, chúng ta có thể giảm biên chế bộ phận gián tiếp, chứ không thể giảm biên chế giáo viên được.
Ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên. Vì vậy, rất mong Bộ GD&ĐT kiến nghị với Bộ Nội vụ, Chính phủ để có hướng tháo gỡ. Quy định là chung (tinh giản biên chế) nhưng ngành Giáo dục cần phải có cơ chế riêng…” - Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An kiến nghị.
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng: Việc tinh giản biên chế, sắp xếp quy mô trường lớp là việc lớn, liên quan đội ngũ, chất lượng ngành giáo dục. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần có hội nghị triệu tập lãnh đạo tỉnh phụ trách và giám đốc Sở để triển khai.
Theo ông Quốc, với ngành Giáo dục việc sắp xếp, sáp nhập phòng ban mà cắt giảm, sáp nhập phòng ban này với nhau là khá vô lý. Nó có thể đúng với một sở ngành khác (ví dụ như Sở Thông tin truyền thông) nhưng với ngành giáo dục thì không đơn giản.
“Quảng Nam hiện đang thực hiện lộ trình giảm biên chế 10%, nhưng giáo dục không thể giảm 10% cơ học như vậy được. Ví dụ, nếu thực hiện tinh giản giáo viên, trong khi tuyển dụng không được thì với một lớp mầm non 40 - 45 em sẽ là quá tải với giáo viên còn lại” - ông Quốc chia sẻ.
Nhìn nhận các điều kiện hỗ trợ cho 3 mục tiêu quan trọng nhất của ngành (dạy chữ, dạy người và dạy nghề) đã được bổ trợ và tương hỗ nhiều hơn thông qua hàng loạt sự đổi mới như: Chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ SGK mới, chất lượng đội ngũ giáo viên, tuy nhiên, nhiều giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị Bộ GD&ĐT cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của đội ngũ, công tác bồi dưỡng đội ngũ cho Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng nhìn nhận dù trong thời gian qua đã thúc đẩy các cơ sở giáo dục tăng cường thêm nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hạn chế tính hàn lâm, tăng tính sáng tạo của thầy cô, tăng tính tự chủ của các hiệu trưởng, xây dựng chương trình giảng dạy hướng đến khai phóng hết tiềm năng trong tư duy của học sinh - nhưng những hạn chế trong công tác cán bộ, đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường... vẫn còn tồn tại.
Vì vậy, nhiều lãnh đạo Sở cho rằng Bộ GD&ĐT có những quy định về chuẩn mực đạo đức phù hợp trong tuyển dụng giáo viên (có phần kiểm tra về vấn đề này). Bên cạnh đó, cần có những quy định để có thể có những biện pháp đối với những giáo viên không hoàn thành trách nhiệm của nhà giáo (do ỉ lại vào biên chế)… có như thế công cuộc đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục mới nhanh chóng đi đến đích.