Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024

Thuận lợi song hành cùng thách thức

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những thuận lợi, khó khăn đan xen.

Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thế Đại
Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thế Đại

Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi về chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, cả nước vẫn phải tiếp tục đối diện với những khó khăn kép do hậu quả của đại dịch Covid-19. Vượt lên thách thức, toàn ngành đã hoàn thành kế hoạch năm học 2022 - 2023 với nhiều kết quả quan trọng.

12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương.

Bộ GD&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các nghị định, nghị quyết, đề án, kế hoạch về phát triển GD&ĐT, trong đó phân công trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan và địa phương trong thực hiện.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng thời, Bộ đã ban hành 6 Kế hoạch hành động để triển khai các Nghị quyết phát triển vùng nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thuộc lĩnh vực GD&ĐT; tổ chức thành công 6 Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng.

Ngành Giáo dục tích cực xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới; triển khai có hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Đội ngũ giáo viên cơ bản thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; việc tổ chức quản lý đã chuyển dần theo hướng quản trị nhà trường.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế 2023 tại Hoa Kỳ; các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện; tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm; hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, năm học 2022 - 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác soạn thảo một số văn bản còn chậm tiến độ. Thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non tiểu học; thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với THPT khi áp dụng Chương trình GDPT 2018.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương còn bất cập; còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp và áp lực tuyển sinh đầu cấp, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra.

Trước thuận lợi song hành cùng thách thức, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin: Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023 - 2024, toàn ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:

Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh;

Tăng cường công tác giáo dục thể chất, bảo đảm an toàn trường học; Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Hội nhập quốc tế trong giáo dục; Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua; Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thế Đại

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thế Đại

Xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Biên chế của ngành Giáo dục năm 2021 là 1.375.715 người, trong đó khối TƯ là 50.699, ở địa phương là 1.328.016 biên chế. Khối mầm non và THPT là 1.131.001 người. Còn biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850. Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.

Cũng theo ông Cường, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau. Nguyên nhân do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa.

Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Do đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền. Chia sẻ về giải pháp cho những thực trạng trên, ông Triệu Văn Cường nêu ý kiến: Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế.

Các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hóa; phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.

Bảo đảm an ninh trong lĩnh vực giáo dục

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của Bộ GD&ĐT.

Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết, Bộ Công an luôn nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của ngành GD-ĐT trong sự nghiệp trồng người, là giải pháp căn cơ bảo vệ an ninh văn hóa, an toàn trật tự xã hội, chủ động phòng ngừa từ sớm những tác động đến an ninh trật tự.

Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT triển khai nhiều chương trình phối hợp, thông tư liên tịch nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh an toàn các kỳ thi. Đặc biệt, Bộ Công an lưu ý đến việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục để vi phạm pháp luật, phòng ngừa những vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên (HSSV).

Qua công tác bảo đảm an ninh quốc gia cho thấy, việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục đã tạo ra một nhóm người có quan điểm không phù hợp với chủ trương của Đảng, đặc biệt trong lứa tuổi HSSV. Bộ Công an lưu ý về những phá hoại về an ninh trật tự trong không gian mạng, tác động đến HSSV, giáo viên.

Dù chỉ có 2,63% HSSV trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng. Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, trong đó có Bộ GD&ĐT phối hợp xử lý sớm những vấn đề phức tạp, đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giáo dục.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022 - 2026. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

Kiev nêu bản chất kinh tế của xung đột

GD&TĐ - Kiev cho rằng, bản chất của cuộc xung đột ở Ukraine là Nga muốn kiểm soát các vùng giàu tài nguyên thiên nhiên như Lithium và đất hiếm, của Ukraine.