Theo báo cáo này, về thuận lợi, việc điều chỉnh giúp cho nội dung dạy học mang tính thiết thực gần gũi với học sinh hơn, giảm bớt đi những bài tập mang tính chất khó và trùng lắp.
Bên cạnh đó, việc giảm tải giúp cho giáo viên có điều kiện chủ động dạy và học sát với từng nhóm đối tượng, có thêm thời gian cho việc dạy và học tốt hơn các yêu cầu kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục đạo đức cho học sinh. Đội ngũ thầy, cô giáo đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.
Tuy nhiên, khó khăn là giáo viên còn lúng túng trong điều chỉnh nội dung dạy học khi trong lớp vừa có những học sinh có năng khiếu và phát triển vượt trội vừa có những học sinh còn gặp khó khăn trong học tập.
Sách giáo khoa của học sinh còn nhiều nội dung chưa điều chỉnh phù hợp với nội dung Hướng dẫn điều chỉnh giáo dục phổ thông và các nội dung hướng dẫn cụ thể đối với từng môn học. Điều chỉnh, tích hợp quá nhiều nội dung nên khi soạn bài giáo viên phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu:
Có những tiết học yêu cầu giảm toàn bộ, giáo viên phải soạn thay thế tiết học khác nên gặp khó khăn trong việc soạn bài. Có những nội dung trong hướng dẫn chưa ghi rõ giảm luôn hay thay thế bằng nội dung nào.
Đối với nội dung bài tự chọn, giáo viên gặp khó khăn không biết chọn bài nào cho phù hợp với yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng...
Sở này đề xuất, Bộ GD&ĐT sớm điều chỉnh, đảm bảo sự thống nhất nội dung, hình thức, yêu cầu giữa sách giáo khoa, chuẩn kiến thức kỹ năng, hướng dẫn giảng dạy của giáo viên; nội dung bài trong sách giáo khoa cần đảm bảo tích hợp tất cả nội dung: kỹ năng sống, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục môi trường, an ninh quốc phòng,…
Các cấp, các ngành khi xây dựng trường cần có các phòng chức năng và trang bị các thiết bị tối thiểu phục vụ cho công tác dạy học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, ví dụ như đầu tư cho trường bộ bàn ghế học sinh tiểu học gọn nhẹ hơn để các em có nhiều thuận lợi trong việc học.