Nếu có phương pháp dạy học phù hợp, các môn Thủ công, Kỹ thuật sẽ rất hấp dẫn học sinh |
Thực hiện Hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1,2,3,4,5 theo công văn số 9832/BGDĐT- GDTH ngày 01/9/ 2006.
Điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học được hướng dẫn trong công văn số 9832/BGDĐT- GDTH ngày 01/9/2006 theo định hướng: Thay đổi thứ tự dạy học các chủ đề, các bài học trong mỗi chủ đề cho phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tiễn của địa phương ; Tăng hoặc giảm thời lượng dạy học cần thiết của một số bài học ; Lựa chọn nội dung dạy học có trong chương trình, sách giáo khoa (hiện hành) phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của địa phương;
Việc tổ chức dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật như một hoạt động giáo dục kĩ năng sống, đạo đức cho học sinh; tăng cường tổ chức các hoạt động học tập của học sinh để tiết học nhẹ nhàng, hiệu quả. Bộ GD&ĐT quy đinh đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhận xét theo chuẩn kiến thức kĩ năng của môn học và đặc biệt nhấn mạnh: tuyệt đối không giao bài tập cho học sinh làm ở nhà để đánh giá. Khi đánh giá kết quả của học sinh, giáo viên cần nhận xét cả quá trình học tập và coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh.
Căn cứ vào điều kiện thực tế của các tỉnh, thành phố, Giám đốc Sở GD-ĐT chỉ đạo các Phòng GD&ĐT điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật từ năm học 2009-2010. Đồng thời chỉ đạo thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh theo chương trình đã điều chỉnh. Việc điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học có thể thống nhất theo cấp Phòng GD&ĐT.
Trên địa bàn huyện, nếu có nhiều vùng miền khác nhau, Phòng GD&ĐT có thể chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tiểu học quyết định điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy học phù hợp với từng trường tiểu học.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh thành cho thấy 1 số vấn đề còn tồn tại trong nội dung chương trình và phương pháp dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật: nội dung và thứ tự dạy học ở một số bài học chưa phù hợp với mọi đối tượng học sinh và điều kiện thực tế của các vùng miền. Nhiều giáo viên lệ thuộc vào hướng dẫn trong sách giáo viên, thiếu linh hoạt, mạnh dạn đổi mới việc tổ chức dạy học. Một số chưa thực sự quan tâm đến đổi mới PPDH, ít có sự đầu tư cho bài dạy, chưa nắm vững các thao tác của quy trình làm sản phẩm nên đã hướng dẫn học sinh thực hành phức tạp, khó hiểu dẫn đến học sinh không nắm được quy trình và cách làm ra sản phẩm.Việc kiểm tra, đánh giá còn nặng nề. Nhiều giáo viên quá chú trọng vào đánh giá sản phẩm mà chưa chú ý đến quá trình học tập của học sinh. Công tác quản lí, chỉ đạo dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật chưa được quan tâm đúng mức. |
Đan Thảo