Môn học thủ công, kỹ thuật ở tiểu học

Môn học thủ công, kỹ thuật ở tiểu học

(GD&TĐ) - Trong khi các cán bộ quản lý nhà trường, GV và phần lớn phụ huynh khẳng định  rằng môn Thủ công, Kĩ thuật (TC, KT) cần thiết đối với HS tiểu học; còn HS đa số thích học môn này. Nhưng, vẫn có quan điểm cho rằng đây chỉ là những “môn phụ”, không cần học nhiều, để dành thời gian học môn quan trọng hơn như Toán, Tiếng Việt… Có không ít nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong dạy TC, KT ở trường tiểu học hiện nay. Ngày 17/7/2009, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo đánh giá chất lượng, hiệu quả dạy học môn TC, KT tiểu học với sự tham gia của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, đại diện các Vụ, Viện liên quan và đại diện cán bộ, GV các địa phương trong cả nước.
Học đan len trong giờ thủ công
Học đan len trong giờ thủ công

Học sinh: “Đây là môn học rất hay, rất vui, rất bổ ích…”

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Nhu cầu, sở thích mỗi người khác nhau, đừng cố bắt HS làm những việc (học những bài học TC, KT) quá khả năng, quá sức của các em. Bắt các em làm những việc mà ngay cả người lớn cũng không làm được thì không nên. Không nên làm nặng nề môn học (TC, KT) và cũng không nên bắt HS làm các sản phẩm đẹp như người lớn làm. Làm sao để học TC, KT nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Nhằm xác định thực trạng, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cải thiện, nâng cao hiệu quả dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật ở trường tiểu học, Vụ Tiểu học- Bộ GD&ĐT- phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã khảo sát, đánh giá  việc dạy học môn Thủ công, Kĩ thuật ở Tiểu học.

63 Sở GD&ĐT đã tham gia khảo sát trên với sự tham gia ý kiến của các cán bộ quản lí, GV, HS và phụ huynh HS của một số vùng, miền tiêu biểu.

Các sở GD&ĐT và đa số GV khẳng định rằng môn Thủ công, Kĩ thuật (TC, KT) cần thiết đối với HS tiểu học, chỉ có một số ít GV trả lời dạy môn học này là không cần thiết vì cho rằng, dạy học thủ công, kĩ thuật làm mất thời gian của GV và HS (nên tập rung thời gian cho HS học Tiếng Việt và học Toán thì tốt hơn).

Trong khi đó, phần lớn phụ huynh HS cho rằng môn TC, KT cần thiết với HS tiểu học (có 60,8% và 52,2% phụ huynh HS cho rằng cần thiết học 2 môn này và 34,3%, 43,8% cho rằng tương đối cần thiết, chỉ có 4,9%, 4,0% cho rằng không cần thiết). Còn HS thì bày tỏ thái độ thích học TC, KT chiếm tỉ lệ lớn (từ 97,6% đến 100% ở từ lớp 2 đến lớn 5). Lý do thích học môn TC, KT được HS nêu vì đây là: “Môn học rất hay, rất vui, rất bổ ích, rất thú vị, tự tay em làm ra những sản phẩm em thích để gửi tặng ông, bà, cha, mẹ…”; “giúp em khéo léo, nhanh nhẹn, rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ, dẻo dai, kiên trì”; “giúp em biết khâu, thêu, biết trồng rau, hoa… giúp đỡ bố mẹ trong công việc gia đình; giúp em biết tự phục vụ bản thân”; “giúp em thêm vui vẻ, sảng khoái sau giờ Toán căng thẳng”...

Đánh giá về mục tiêu môn TC, KT ở tiểu học thì cả sở GD&ĐT cũng như GV  cho rằng mục tiêu của các môn học này đều phù hợp với HS tiểu học. Chương trình dạy học TC, KT hiện nay cũng được các sở GD&ĐT và GV đánh giá là hợp lí,  có hệ thống, phù hợp với tâm sinh lý HS tiểu học…
Học sinh vùng cao học TC, KT qua mô hình
Học sinh vùng cao học TC, KT qua mô hình

Vẫn còn một số GV chưa coi trọng việc dạy học môn TC, KT

Về phương pháp dạy học, khảo sát trên cho thấy phần lớn GV ở các trường đều hướng dẫn HS làm các sản phẩm TC, KT đầy đủ. Tuy nhiên, tỉ lệ hướng dẫn HS ở khối lớp 5 lại thấp hơn hẳn so với các khối lớp còn lại, nhất là với HS lớp 5 ở miền núi.

Phương pháp dạy học của GV có tốt hay không, thể hiện trước hết ở mức độ hiểu bài và thực hành đúng của HS. Kết quả khảo sát cho thấy có tới 96,6% HS thành phố hiểu bài, tỉ lệ này ở nông thôn là 99,5% và miền núi là 98,8%.

Các sở GD&ĐT và chính ý kiến tự đánh giá của GV cho rằng, đa số GV hiểu và vận dụng được phương pháp dạy học theo tinh thần đổi mới, có ý thức làm thêm và sử dụng tương đối hiệu quả đồ dùng dạy học… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số GV chưa coi trọng việc dạy học môn TC, KT nên đã cắt xén nội dung, thời lượng dạy học của môn học, không đầu tư công sức, thời gian cho việc dạy học bộ môn (do chưa chuẩn bị bài dạy chu đáo, nên một số bài học TC, KT đơn giản nhưng GV đã hướng dẫn phức tạp, khó  hiểu cho HS, khiến HS không biết cách làm). Mặc khác, năng lực vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học TC, KT của GV còn hạn chế. GV chưa mạnh dạn trong việc dạy học phù hợp với các đối tượng HS trong lớp và hoàn cảnh của từng địa phương (hầu hết các GV dạy theo hướng dẫn trong sách GV dù nội dung hướng dẫn chưa phù hợp với thực tế của địa phương, nơi có đất, có vườn trường để dạy thực hành kỹ thuật thì GV vẫn tổ chức dạy lí thuyết trong phòng học…). GV Mai Thanh Nhàn (Trường TH Phan Chu Trinh, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Để phát huy tính sáng tạo của HS, nên để HS làm bài thực hành TC phù hợp với sở thích và khả năng của các em. Ví dụ, ở bài làm đồng hồ thì không nhất thiết phải bắt HS làm một loại đồng hồ, có thể để HS làm đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường hoặc các loại đồng hồ khác… theo sở thích của các em.

Có những bài học không nhất thiết phải bắt HS học theo đúng chương trình (GV cho HS xem vật mẫu, GV làm mẫu rồi HS thực hành), nhưng trong thực tế dạy, cô Nhàn đã cho HS xem vật mẫu rồi thảo luận nhóm, rồi tự khám phá cách làm và không áp đặt HS cách làm mà để HS tự khám phá.

Cần lưu ý về đồ dùng, phương tiện để dạy TC, KT chất lượng hơn

Đa số  ý kiến GV cho rằng chất lượng đồ dùng dạy học môn TC, KT  của trường mình bình thường, chỉ một số ít GV đánh giá tốt hoặc kém chất lượng. Vùng khó khăn (nông thôn, miền núi) HS không có đủ đồ dùng học tập (các GV cũng đề xuất cần có sự hỗ trợ đồ dùng học tập cho HS vùng khó khăn, giảm giá thành bộ đồ dùng học tập môn KT nhưng phải đảm bảo chất lượng).

Còn về đồ dùng của GV, có một số GV cho biết: Bộ lắp ghép mô hình kĩ thuật được cấp phát, sau một thời gian sử dụng đã bị hư hỏng và mất nhiều chi tiết, chất lượng chưa tốt... Cô Bùi Thị Tuyết- cán bộ một phòng GD ở Sơn La đã đưa ra đề nghị: “Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đồ dùng dạy học. Vì ở vùng cao đưa đồ dùng thiết bị dạy học đến các trường đã khó khăn, nhưng thực tế sử dụng chưa lâu đồ dùng đã hỏng hóc, gây khó khăn cho các trường học”.

Các GV cũng đã có đề xuất cần bổ sung tranh quy trình cho các bài học thủ công còn thiếu; xây dựng VCD cho một số bài học kĩ thuật. Vì điều kiện cơ sở vật chất một số trường ở thành phố không có phòng học bộ môn, không có vườn trường… GV ở Đà Nẵng đã đưa ra đề nghị: “Bộ GD&ĐT cần sớm có bộ băng đĩa hình để tạo điều kiện cho HS ở thành phố không có điều kiện thực hành, chỉ học lý thuyết có thể được xem thực tế trồng hoa, trồng rau, nuôi gà… như thế nào”.

Với những bài học (đan nong đôi, thêu…), mà nhiều ý kiến cho là khó so với khả năng của HS, đại diện Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho rằng không nên bỏ hẳn, vì với một số HS ở nơi có nghề truyền thống, hoặc với HS có năng khiếu thì vẫn để các em làm, còn các HS khác có thể thực hành ở mức độ khác, phù hợp với khả năng.

Tuy nhiên, đại biểu ngành GD ở Phú Yên nêu rằng, hiện có những bài học TC, KT khó so với khả năng của HS, cho nên có những HS mang bài về nhà làm một cách đối phó, nhờ người khác làm hộ rồi mang đến trường nộp cho GV. Do vậy cần phải có những điều chỉnh cần thiết để tránh hiện tượng này trong học bộ môn.

Ông Nguyễn Tiến Thành (Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học- Bộ GD&ĐT) đã đưa ra nhận xét: “Hiện nay, có một thực tế là trẻ em được khuyến khích học chữ hơi nhiều, chính môn TC, KT có tác dụng tích cực để HS tiểu học được vận động, được tạo ra những sản phẩm của chính mình. Khảo sát thực tế đã cho thấy đa số HS thích học TC, KT. HS đã phải học nhiều Toán, Tiếng Việt… rồi, thì những giờ TC, KT phải là những giờ học “thư giãn” nhất. Tại sao vẫn có một số HS không thích học TC, KT, đó chính là do cách dạy của GV. Bản thân môn học không “có lỗi”, người tổ chức các hoạt động GD và GV dạy môn đó có thể làm cho tính hấp dẫn của môn học bị giảm bớt”.

Nhiều đề xuất từ GV và các sở GD&ĐT liên quan đến việc dạy TC, KT cũng rất đáng chú ý. Đó là, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lí, GV về nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập môn TC, KT phù hợp với các đối tượng HS; tổ chức cung cấp đĩa hình hỗ trợ cho GV đổi mới phương pháp dạy học; xây dựng phần mềm dữ liệu dạy TC, KT để các địa phương có điều kiện sử dụng tham khảo; bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho môn TC, KT; mua sắm thiết bị dạy học theo mẫu đã được Bộ duyệt để đảm bảo chất lượng; tạo điều kiện xây dựng vườn trường ở những nơi có điều kiện…

Dạy chữ, dạy làm người và dạy nghề đều không thể xem nhẹ, vì vậy dạy TC, KT ở tiểu học cũng rất cần quan tâm, điều chỉnh, nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện- Đó cũng là một suy nghĩ về việc đánh giá chất lượng, hiệu quả dạy học môn TC, KT tiểu học.

Lan Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ