Thừa Thiên - Huế tiếp nhận 2 cổ vật triều Nguyễn: Hồi hương rồi cất kho?

GD&TĐ - Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có văn bản chấp thuận chủ trương tiếp nhận 2cổ vật triều Nguyễn- mũ quan và áo Nhật Bình, do một doanh nghiệp hiến tặng sau khi đấu giá thành công tại Tây Ban Nha.

Nhiều địa phương cổ vật bị xếp kho vì không có chỗ trưng bày. Ảnh: IT.
Nhiều địa phương cổ vật bị xếp kho vì không có chỗ trưng bày. Ảnh: IT.

Tuy nhiên, xoay quanh việc hồi hương cổ vật và chiến lược quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam còn nhiều chuyện phải bàn.

Huế tiếp nhận cổ vật

Đầu tháng 4/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế - ông Nguyễn Văn Phương đã ký văn bản đồng ý tiếp nhận 2 cổ vật triều Nguyễn- mũ quan và áo Nhật Bình do một doanh nghiệp hiến tặng. Đồng thời, đánh giá cao việc doanh nghiệp này đấu giá thành công 2 cổ vật triều Nguyễn đang lưu lạc ở nước ngoài.

Như Báo GD&TĐ từng thông tin về phiên đấu giá tối 28/10/2021 tại nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) gây sửng sốt với các nhà sưu tầm cổ vật và đam mê cổ ngoạn Việt Nam.

Giá khởi điểm chỉ 600 euro, thế nhưng chiếc mũ quan triều Nguyễn được đấu giá đạt giá gõ búa cao gấp 100 lần. Chiếc mũ quan có giá chung cuộc là 600 nghìn euro (tương đương gần 20 tỉ đồng cả thuế và phí).

Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng cho rằng, đây là chiếc mũ của quan nhất phẩm trở lên, gần ở mức hoàn hảo. Chiếc mũ tuy quý hiếm, nhưng với giá 600 nghìn euro thì ngoài sức tưởng tượng.

Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng cổ vật cung đình Huế nói rằng: Mũ có niên đại cuối thế kỷ 19, có cả hộp đựng mũ bằng gỗ sơn son thếp vàng. Tình trạng qua ảnh khá tốt, lớp sơn son thếp vàng còn sáng đẹp, chi tiết chạm trổ sống động.

Hộp đựng mũ bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh. Mũ là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép. Mặt trước phía trên là 1 bác sơn, tiếp đến là 2 hoa, 2 giao long, dưới cùng là trang sức kim ngạch tường và dây kim nhiễu tuyến.

Ở mặt hai bên, mỗi bên trang trí 1 kim khóa nhãn. Mặt sau gồm 2 hoa, 2 giao long, 2 kim như ý. Còn 2 cánh chuồn, ở đầu mỗi cánh được bịt 2 trang sức, giữa mỗi cánh trang trí 2 giao long. Tất cả đều được làm bằng vàng và đều được lót phía sau một miếng vải đỏ.

Đối chiếu với quy định trong “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” và đối chiếu các trang sức của mũ đây với các trang sức ở mũ hiện tồn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thọai Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế… thì chiếc mũ được đấu giá có nhiều điểm khác lạ.

Ngoài mũ quan, doanh nghiệp hiến tặng còn đấu giá được chiếc áo Nhật Bình với giá khoảng trên 900 triệu đồng. Áo thuộc dạng thêu họa tiết bằng chỉ ngũ sắc, đề tài tứ thời “song loan hồi thọ”. Phần chân áo có thủy ba tam sơn và cá chép. Cổ áo thêu khá tinh xảo, gồm 5 con phụng cho thấy cấp bậc của chủ nhân chiếc áo ở tầm ngũ phẩm.

Mũ quan triều Nguyễn đấu giá tại Tây Ban Nha.

Mũ quan triều Nguyễn đấu giá tại Tây Ban Nha.

Ứng xử thế nào?

“Cổ vật Việt, trừ những gì được đánh giá rất cần phải tìm cách hồi hương. Số còn lại việc đấu giá, sưu tầm trên thế giới với giá càng cao càng mừng, nằm trong các bộ sưu tập càng nổi tiếng càng tốt. Vì đó là cách khiến cho giới sưu tập cổ vật thế giới biết đến văn hóa Việt Nam…”. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn.

Hồi hương cổ vật, từ lâu đã trở thành một câu chuyện nan giải với nhiều ý kiến trái chiều không hồi kết. Người thì cho rằng cần thiết, ý kiến khác lại không đồng tình vì sẽ tốn rất nhiều ngân sách. Cùng với những nhiêu khê phức tạp về thủ tục pháp lý, nhiều người cho rằng đấu giá thành công chưa hẳn đã tốt, hồi hương cổ vật chưa hẳn đã hay.

Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam từng cho rằng, thực tế bấy lâu cổ vật hồi hương chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực của các cá nhân, và cơ quan quản lý văn hóa Nhà nước gần như ở ngoài cuộc.

Một trong những lý do khiến cơ quan Nhà nước khó tiếp cận cổ vật để hồi hương. Đó là sự phụ thuộc mang tính nguyên tắc, từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý, dự toán đến phê duyệt kinh phí. Trong khi đó, việc đấu giá không có thời gian chờ để các đơn vị liên quan thực hiện các bước trên.

Tác giả sách “Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn”, nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn cho rằng, cần hồi hương một quốc ấn hay nhiều đồ vật húy tiếu của hoàng triều bị ăn cắp giai đoạn chiến tranh. Còn chiếc mũ quan, điều cần biết nhất chính là chủ nhân của nó để có cách ứng xử.

Theo ông Sơn, chuyện giao dịch hiện vật văn hóa giữa Việt Nam với phương Tây diễn ra từ rất sớm, từ thời các chúa Nguyễn. Những người phương Tây hợp tác với triều đình, các sứ thần… được cấp phẩm phục và họ đem về nước.

“Chiếc mũ được xác định của một danh nhân lịch sử nào đó thì rất nên mua. Của các vị quan bình thường hay là tặng phẩm cho các vị sứ thần... thì cứ để trong các bộ sưu tập, trong các bảo tàng nước ngoài, nó vẫn là “made in Việt Nam”, vẫn đóng vai trò quảng bá văn hóa Việt Nam”, ông Sơn cho hay.

Cũng theo ông Sơn, vấn đề hồi hương cổ vật cần phải nhìn nhận lại. Nhà nước phải mua hết những cổ vật của Việt Nam ở nước ngoài, thì lấy đâu ra tiền? Chúng ta đang có nhiều cổ vật quý hiếm vẫn chưa trưng bày hết. Ở Huế, cổ vật triều Nguyễn có nhiều món vô cùng quý hiếm vẫn còn cất trong kho.

Hồi hương cổ vật rồi cất trong kho là chuyện có thật đang tồn tại ở chính xứ Huế. Hàng nghìn hiện vật quý vẫn đang nằm trong kho của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã được thành lập năm 2018, tranh tượng mua của họa sĩ chất đầy kho, không có chỗ trưng bày…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ