Thừa Thiên – Huế: Thuê 'thần đèn' dời biệt thự 100 tuổi

GD&TĐ -“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư lên phương án di dời biệt thự Pháp 100 tuổi tại Huế.

 Ngôi biệt thự Pháp cổ có tuổi đời hơn 100 năm tuổi tại TP Huế đang được lên phương án di dời thay vì đập bỏ. Ảnh: N. Anh
Ngôi biệt thự Pháp cổ có tuổi đời hơn 100 năm tuổi tại TP Huế đang được lên phương án di dời thay vì đập bỏ. Ảnh: N. Anh

Biệt thự Pháp hơn 100 tuổi cần di dời

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, tỉnh này sẽ dự kiến thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TP HCM ra Huế để di dời ngôi biệt thự Pháp cổ tại số 26 đường Lê Lợi. Địa điểm di dời ngôi biệt thự Pháp là khu đất trống phía đối diện ở bờ sông Hương; phần đất trống tại số 26 Lê Lợi sẽ được sử dụng cho mục đích dịch vụ.

Ngôi biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi trước đây là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Biệt thự có kiến trúc Pháp rất đẹp và tinh xảo, được xây dựng đầu thế kỷ 20, có tuổi đời đến nay đã trên 100 năm tuổi.

Sau năm 1975, biệt thự này là nơi lui tới của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng Trần Hoàn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Hữu Pháp… nhà văn, nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Hải Bằng, Võ Quê, Trần Vàng Sao và các họa sỹ Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Đinh Cường…

Đầu năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình, tuy nhiên ngôi biệt thự Pháp số 26 Lê Lợi không có tên trong danh sách được bảo tồn, tôn tạo.

Sau đó, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Hạ tầng và Dịch vụ truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26, 28 Lê Lợi, TP Huế. Nhiều văn nghệ sĩ trí thức đã phản ứng khi biệt thự Pháp cổ nói trên có nguy cơ bị đập bỏ.

Tuy nhiên, sau khi ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết lãnh đạo tỉnh vẫn quyết định giữ lại ngôi biệt thự này với mong muốn lưu giữ hình ảnh cho đô thị Huế trong quá trình phát triển; đồng thời nhờ “thần đèn” Nguyễn Văn Cư di dời ngôi biệt thự cổ nói trên, giới trí thức tại Huế đã rất hoan nghênh và ủng hộ cách làm của lãnh đạo tỉnh.

'Thần đèn' Nguyễn Văn Cư lên phương án di dời biệt thự Pháp cổ với 14 bước, kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng, làm trong 4 tháng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

'Thần đèn' Nguyễn Văn Cư lên phương án di dời biệt thự Pháp cổ với 14 bước, kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng, làm trong 4 tháng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

14 bước để di dời tòa biệt thự

Được biết, Nguyễn Văn Cư là một “thần đèn” tay ngang nổi tiếng được biết đến qua kỹ thuật riêng của mình khi thực hiện chống lún, chống nghiêng, chống ngập, di dời nhiều công trình lớn tại Việt Nam.

Năm 2007, ông đã thực hiện công trình nâng tòa nhà sáu căn, ba tấm, nặng gần 3.000 tấn lên cao 1m; năm 2009, nâng khách sạn PHO DE PARIS một trệt, một lửng, 3 lầu, nặng 4.000 tấn ở Campuchia lên cao 50cm; năm 2011, chỉnh về vị trí cân bằng tòa siêu thị cao năm tầng, nặng gần 2.000 tấn ở thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng); năm 2012, nâng ngôi miếu cổ 300 năm tuổi ở (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) lên cao 1,5m; năm 2013, chỉnh ngay ngắn khách sạn bảy tầng, nặng 1.500 tấn bị nghiêng lún ở TP Đà Nẵng.

Đặc biệt, năm 2014, di dời cổng tam quan chùa Pháp Liên (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) 5m, đồng thời nâng cao lên 40cm và xoay chỉnh 90 độ...

Chiều 21/7, UBND TP Huế cho biết vừa có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế các nội dung liên quan về phương án di dời công trình biệt thự Pháp cổ có tuổi đời hơn 100 năm tuổi tại số 26 đường Lê Lợi, TP Huế.

Sau khi làm việc với các đơn vị liên quan và Công ty TNHH xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư (doanh nghiệp của “thần đèn” Nguyễn Văn Cư – người gốc Huế tại TP HCM) về phương án, ông Cư đã dự kiến có 14 bước để di dời tòa biệt thự Pháp cổ này.

Bước 1 là cắt phá tường công trình từ mặt nền hiện hữu lên cao khoảng 75cm, cấy sắt đổ dầm bê tông cốt thép kiềng ngang, dọc. Bước 2 là làm mặt bằng khu vực công trình đi qua.

Bước 3 là bố trí kích vào đế bê tông nêm kỹ dưới đáy đà kiềng (dầm dọc, ngang). Bước 4 là lót ván làm đường ray để di dời ngôi biệt thự.

Bước 5 là lắp đặt các con lăn trên ván làm đường ray. Bước 6 là luồn cáp vào các góc đà dầm. Bước 7 là dùng ba lăng để căn cáp kéo công trình.

Bước 8 là dùng ben thuỷ lực để kéo hoặc đẩy công trình, lộ trình theo phương án đề xuất sẽ di chuyển công trình qua bên phải đường Phạm Hồng Thái 8m, sau đó kéo thẳng băng qua đường Lê Lợi dọc trục đường Phạm Hồng Thái.

Bước 9 là trong khi kéo công trình băng qua đường Lê Lợi dọc đường Phạm Hồng Thái sẽ kéo hoặc đẩy xoay công trình 90° mặt tiền hiện trạng đường Lê Lợi thành mặt tiền đường Phạm Hồng Thái, sau đó đẩy công trình vào đúng vị trí móng mới.

Bước 10 là đưa ben thuỷ lực vào dưới đáy đà dầm nâng kích đều công trình đến độ cao đã chọn theo yêu cầu của chủ đầu tư. Bước 11 là định vị các điểm phù hợp để tạo cột đỡ công trình. Bước 12 là khoan xuống móng bè khoảng 20cm, cấy sắt để liên kết vào móng bè và dầm, đổ bê tông cột đỡ. Bước 13 là xây gạch bê tông đến đáy dầm. Bước 14 là san lấp hệ móng và hoàn thiện.

Ngôi biệt thự Pháp cổ sau di dời sẽ có hướng quay mặt ra đường Phạm Hồng Thái, cách lộ giới đường Phạm Hồng Thái khoảng 20m. Thời gian thực hiện di dời công trình khoảng 4 tháng. Kinh phí thực hiện di dời khoảng 2,5 tỷ đồng, chưa tính kinh phí cải tạo tòa nhà sau khi di dời.

Bên cạnh đó, Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng - Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản báo cáo kiểm định chất lượng hiện trạng công trình biệt thự Pháp cổ.

Báo cáo kiểm định cho biết, công trình này có kết cấu gạch, đá, thép, bê tông cốt thép pha lẫn và kết cấu công trình đã xuống cấp, nên việc di dời công trình không hiệu quả về mặt an toàn chịu lực.

Cụ thể, Trung tâm cho hay, do hệ tường rã rệu, xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt nên khi thực hiện di dời sẽ có những tác động làm gia tăng vết nứt, suy giảm khả năng chịu lực, khó đảm bảo an toàn về mặt chịu lực, tốn chi phí việc gia cố kết cấu.

Hiện các đơn vị đang chờ quyết định cuối cùng của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc trên.

Qua trò chuyện với PV, ông Cư cho biết, vì Huế là quê hương nên ông sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ một cách tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, do biệt thự Pháp cổ với phần nền móng chủ yếu được xây bằng gạch chứ không phải bằng bê tông khối như các công trình thông thường, nên để di dời ngôi biệt thự này sẽ rất khó, gặp nhiều vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật, nhưng ông Cư vẫn đặt kỳ vọng mình sẽ làm được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số.

ICTU xây dựng hệ sinh thái giáo dục số

GD&TĐ -Trong thời đại công nghệ số phát triển nhanh chóng, việc đào tạo nhân lực số ngày càng đóng vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu của thị trường.