Thừa Thiên – Huế định "vung tiền" di dời biệt thự Pháp: Hoàng thành có cần đầu tư?

GD&TĐ - Thay vì đập bỏ ngôi biệt thự Pháp tuổi đời hơn 1 thế kỷ, Thừa Thiên - Huế đã lên phương án di dời nó sang một địa điểm khác. 

Ngôi biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp tại số 26 đường Lê Lợi, TP Huế.
Ngôi biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp tại số 26 đường Lê Lợi, TP Huế.

Ngày 10/4, thông tin từ UBND TP Huế cho biết, đơn vị này đã tổ chức cuộc họp để nghe báo cáo ý tưởng, phương án tổng mặt bằng vị trí di dời công trình tại số 26 đường Lê Lợi. Tại đây, Kiến trúc sư (KTS) Hồ Viết Vinh đã đưa ra 2 phương án, nếu công trình đủ các điều kiện thì sẽ di dời.

Theo ông Vinh, phương án 1 là di dời công trình qua phần khu đất số 1 Phạm Hồng Thái và giữ nguyên hướng mặt chính công trình nhìn ra sông Hương. Phương án 2 là di dời công trình qua phần khu đất số 1 Phạm Hồng Thái và quay hướng mặt chính công trình nhìn ra đường Lê Lợi (cả 2 phương án đều có kết hợp cải tạo chỉnh trang tổng thể khuôn viên 1 Phạm Hồng Thái và 23 - 25 Lê Lợi).

Ngoài ra, các đơn vị đã góp ý đối với các phương án và cũng đề xuất cần nghiên cứu thêm phương án thứ 3 là xây dựng lại mới một công trình theo hình thức kiến trúc nguyên mẫu như công trình tại 26 Lê Lợi trên khuôn viên khu đất 1 Phạm Hồng Thái và 23 - 25 Lê Lợi, đồng thời trong quá trình tháo dỡ, sẽ sử dụng một số vật liệu của công trình cũ còn sử dụng được. Trên cơ sở góp ý của các thành viên, UBND TP Huế đã đề nghị KTS Hồ Viết Vinh hoàn chỉnh để tiếp tục thảo luận, thống nhất phương án thực hiện.

Bên cạnh đó, qua các nội dung đã đưa ra, UBND TP Huế đã báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét chỉ đạo các vấn đề liên quan đến các thủ tục, pháp lý để thực hiện, đồng thời đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh cung cấp cho UBND TP Huế toàn bộ hồ sơ liên quan đến quá trình quản lý công trình tại 26 Lê Lợi.

Trong đó, cần lưu ý phối hợp sao lục văn bản thông báo của các cơ quan liên quan của Nước Cộng hòa Pháp về thời hạn sử dụng của ngôi biệt thự này.

Qua đó, UBND TP Huế cũng đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình tại 26 Lê Lợi để làm cơ sở xem xét phương án di dời.

Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế dự kiến sẽ thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TPHCM ra Huế để di dời ngôi biệt thự Pháp cổ ở số 26 đường Lê Lợi. Địa điểm di dời ngôi biệt thự Pháp là khu đất trống phía đối diện ở bờ sông Hương.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, ngôi biệt thự Pháp cổ số 26 Lê Lợi nguyên là trụ sở của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Được xây dựng từ đầu thế kỷ 20, đây là công trình không những có kiến trúc đẹp, độc đáo mà còn mang nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Với kiến trúc Pháp được xây dựng đầu thế kỷ 20, ngôi biệt thự có kiến trúc đẹp, tinh xảo và rất giá trị, đến nay đã trên 100 năm tuổi.

Sau năm 1975, biệt thự này là nơi đi lại của nhóm nhạc sĩ Trần Hoàn, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Trần Hữu Pháp…; nhà văn, nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai…

Địa chỉ này không chỉ là cơ quan hành chính đơn thuần mà còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật thu hút công chúng, du khách trong và ngoài nước.

Đầu năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình, tuy nhiên ngôi biệt thự Pháp số 26 Lê Lợi không có tên trong danh sách.

Sau đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất chủ trương cho phép Công ty Cổ phần Hạ tầng và Dịch vụ Truyền thông Logi 3 nghiên cứu đầu tư dự án Khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp THAT tại khu đất số 26, 28 đường Lê Lợi, TP Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.