Thừa Thiên – Huế: Phá "ô" cho vận tải trá hình

GD&TĐ - Trước tình trạng xe ô tô “trá hình” vận chuyển hành khách đang diễn biến phức tạp, gây mất an toàn giao thông, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu công an tỉnh sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xử lý.

Thừa Thiên – Huế xử nghiêm các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách “trá hình” như “xe dù, bến cóc”.
Thừa Thiên – Huế xử nghiêm các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách “trá hình” như “xe dù, bến cóc”.

Núp bóng xe hợp đồng

Để có phương án, giải pháp xử lý có hiệu quả, từng bước chấn chỉnh tiến tới chấm dứt tình hình kinh doanh vận tải hoạt động “trá hình”, trái phép, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ban hành Công văn số 3417/UBND-GT yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT, công an các địa phương sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp các lực lượng để phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi xuất phát.

Theo đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách “trá hình” như “xe dù, bến cóc”, xe chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe du lịch, xe đặt chỗ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe và chủ phương tiện tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt tuyến cố định Huế - Đà nẵng và ngược lại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Phối hợp với các lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hoạt động vận tải hành khách trái quy định tại các điểm tổ chức hoạt động “xe dù, bến cóc”.

Các cơ quan liên quan được yêu cầu thường xuyên sử dụng dữ liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình để làm cơ sở xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nhất là đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách trái phép, chạy sai hành trình, sai tuyến đã đăng ký, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Bên cạnh đó, cần rà soát các quy định của pháp luật để kiến nghị tăng chế tài xử phạt để đủ sức răn đe, góp phần hạn chế hiện tượng “xe dù”, “xe ké”, xe dịch vụ vận tải bất hợp pháp… Cơ quan chức năng cần có giải pháp ngăn chặn các địa chỉ quảng cáo liên quan đến “xe dù”, “xe ké”, xe dịch vụ qua mạng, trên các website.

“Xe ké” hoạt động rất tinh vi

Theo ghi nhận của Báo GD&TĐ, thời gian vừa qua, tình trạng xe ô tô “trá hình” vận chuyển hành khách tuyến Huế - Đà Nẵng và ngược lại diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số lượng phương tiện, tần suất chạy xe. Lúc đầu, chỉ có một số xe hoạt động nhưng do ăn nên làm ra nên nhiều người mua xe tham gia “đội quân” này rất lớn.

Để đối phó với các lực lượng chức năng, những nhà xe này sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi như bố trí nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng tại các chốt kiểm tra, kiểm soát để thông tin cho các lái xe trốn tránh, không bị kiểm tra.

Khi phát hiện lực lượng tuần tra hoặc khi qua điểm kiểm tra của đoàn liên ngành, các nhà xe này tổ chức trung chuyển khách bằng xe taxi, nhờ hành khách đi xe đứng tên làm giả hợp đồng.

Tình trạng xe chở khách núp bóng xe hợp đồng và xe du lịch, tổ chức bán vé đặt chỗ qua mạng và đón, trả khách trái quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, quyền lợi của hành khách đi xe bị xâm phạm, làm mất trật tự trong hoạt động vận tải hành khách của tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng và ngược lại.

Để chấm dứt tình trạng này, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương tổ chức điều tra, nắm rõ các tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, các phương tiện chở khách núp bóng xe hợp đồng, xe công nghệ đặt chỗ qua mạng hoạt động đón, trả khách trái quy định pháp luật tại địa phương để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh vận tải bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ