Nhiều trường đang thực hiện dọn vệ sinh theo phương châm nước rút đến dâu sạch đến đó; vệ sinh phòng các dịch bệnh sau lũ… Tuy nhiên, còn nhiều trường vẫn còn ngập sâu nên chưa thể tính ngày đi học trở lại. Các trường thiệt hại nặng nhất thuộc các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang và một số vùng thuộc thành phố Huế, huyện Phú Lộc và thị xã Hương Thủy.
Ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, cho biết: Đến thời điểm này (ngày 20/10/2020), mới chỉ có 16/61 trường có thể tổ chức cho học sinh đi học trở lại; trong đó có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 1 trường THCS.
Trong thời gian qua, ngành Giáo dục Thừa Thiên Huế cũng như huyện Phong Điền đã chịu rất nhiều thiệt hại từ ngay sau cơn bão số 5. Nhiều phòng học, nhà vệ sinh, nhà xe bị tốc toàn bộ phần mái, hàng rào bị đổ sập,… Chưa khắc phục xong hoàn toàn thì các trận lũ lụt liên tục ập đến; hiện tại đã qua 3 trận lụt và dự kiến còn thêm các trận khác nữa.
Trong hoàn cảnh này, chia sẻ của ông Nguyễn Phi Hùng, ngành Giáo dục đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn triển khai phương án bảo vệ tài sản, trang thiết bị trường học trong trường hợp có lũ, lũ quét, sạt lở đất; phân công cán bộ giáo viên, nhân viên trực 24/24 để theo dõi tình hình mưa lũ, xử lý các tình huống và kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão cấp trên.
Đối với những học sinh nhà thuộc vùng lũ, vùng bị chia cắt, các trường thông báo cho học sinh tiếp tục nghỉ học và tổ chức học bù vào thời điểm phù hợp ngay sau khi các học sinh này đi học trở lại.
Với giáo viên ở vùng lũ không đến được trường, nhà trường phân công dạy thay, bảo đảm không ảnh hưởng việc thiếu sự quản lý học sinh trong nhà trường khi giáo viên vắng. Sau mỗi buổi học, giáo viên dặn dò học sinh tuyệt đối không đến những nơi như sông, suối, ao hồ và những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét,…
“Cùng với người dân trên địa bàn xã Phong Xuân, các thầy cô giáo thuộc các trường học trên địa bàn xã Phong Xuân, Phong Mỹ cũng đã góp thực phẩm, nấu cơm tại 2 bếp ăn dã chiến ngay tại sân Trường tiểu học Phong Xuân để tiếp sức lực lượng cứu hộ ở thủy điện Rào Trăng 3” – ông Nguyễn Phi Hùng cho biết thêm.
Cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc giáo dục về phòng chống thiên tai trong nhà trường, ông Hùng cho biết, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục đưa nội dung “Giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai” tích hợp vào dạy học trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Công nghệ cấp trung học cơ sở, nhằm nâng cao nhận thức và trang bị cho học sinh những kiến thức và kĩ năng cơ bản về biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai cũng như định hướng một số hoạt động dạy học cho giáo viên để đạt được hiệu quả cao nhất.