Thừa Thiên – Huế: Dự án nhà máy xi măng nghìn tỷ "đắp chiếu" hơn 10 năm

GD&TĐ - Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) với diện tích hơn 40ha, có tổng số vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau một thời gian khởi công, dự án này đã “đắp chiếu” hơn 10 năm.

Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương.
Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân địa phương.

Nuôi trâu bò, phơi phân

Tháng 1/2008, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp Giấy chứng nhận cho Công ty CP Đầu tư Xi măng Nam Đông Việt Song Long. Dự án có diện tích hơn 40ha tại huyện miền núi Nam Đông với số vốn hơn 4.400 tỷ đồng.

Với công suất thiết kế 5.000 tấn clinker/ngày (tương đương 1.800.000 tấn xi măng/năm), dự án nhà máy xi măng này được kỳ vọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội cho huyện miền núi Nam Đông và tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2006 - 2010.

Tháng 3/2009, Công ty CP Đầu tư Xi măng Nam Đông Việt Song Long đã tổ chức khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Nam Đông tại xã Thượng Quảng. Tại lễ khởi công, chủ đầu tư cam kết sẽ phấn đấu hoàn thành dự án và cho ra lò sản phẩm xi măng Nam Đông đầu tiên sau 26 tháng kể từ ngày khởi công.

Tuy nhiên, trải qua hơn thập kỷ được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án quy mô hơn 40ha vẫn “nằm im” và trở thành nơi chăn thả trâu, bò của người dân.

Tại khu đất của dự án Nhà máy xi măng Nam Đông có một toà nhà hành chính hai tầng khá hoàn thiện. Nhìn tổng thể từ ngoài vào, phía trước là cổng và có hàng rào bằng bê tông, có chốt bảo vệ, các phía còn lại được đơn vị thi công rào bằng thép gai…

Sau nhiều năm bỏ hoang, dự án này nhếch nhác, hoang tàn. Nhiều hạng mục đầu tư bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Các khu nhà còn có nhiều cỏ, rơm được tập kết trong các phòng ốc, lối đi để cho trâu ăn.

Một số khu vực được người dân tận dụng để phơi phân. Hàng tấn phân gia súc được người dân đóng, ủ trong bao bì, tập kết trong khuôn viên dự án để bán khi có người mua.

Người dân tận dụng các khu nhà nuôi nhốt trâu.
Người dân tận dụng các khu nhà nuôi nhốt trâu.

Gia hạn liên tục

Khoảng tháng 6/2010, dự án này đã đầu tư được khoảng 163,5 tỷ đồng cho các phần khoan thăm dò mỏ đá, mỏ phụ gia, GPMB, xây dựng nhà điều hành... Nhưng sau đó, tiến độ vẫn “nằm im” do nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khách quan cũng như chủ quan. Sau đó chủ đầu tư xin tỉnh gia hạn tiến độ và dự kiến đưa dự án vào hoạt động quý I/2016.

Ngày 3/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 485/TTg-KTN về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án nhà máy xi măng theo quy hoạch, trong đó dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2015.

Ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 1592/TTg-KTN về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam. Thời điểm đó, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông là 1 trong 9 dự án hoãn triển khai.

Đến năm 2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Tờ trình số 1072/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tiếp tục thực hiện đầu tư dự án Nhà máy xi măng Nam Đông.

Trên cơ sở đó, ngày 18/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận số 212/TB-VPCP, để dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được xem xét tiếp tục triển khai trong năm 2019 thì phải được rà soát tiến độ, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ, bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại dự án Nhà máy xi măng Nam Đông vẫn “án binh bất động”.

Ngày 26/5, ông Đinh Hồng Lam - Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng cho biết: “Sau khi dự án Nhà máy xi măng Nam Đông “đắp chiếu”, do thiếu đất canh tác nên một số người dân đã trồng một số loại cây ngắn ngày trên phần đất dự án.

Tuy nhiên, đã hơn thập kỷ trôi qua, dự án vẫn không được triển khai, trong khi người dân địa phương thiếu đất sản xuất, đã gây hệ lụy lớn đến đời sống xã hội của địa phương”.

Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế đang phối hợp với các sở, ngành làm việc với nhà đầu tư rà soát các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh để tham mưu phương án xử lý phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ