Dự án gần trăm tỉ “đắp chiếu” tại Vĩnh Phúc: Quy hoạch chồng lấn, ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Ngoài việc công trình Văn Miếu Vĩnh Phúc gần trăm tỉ đồng nham nhở, được cho là lãng phí trong đầu tư, Bệnh viện Sản - Nhi đặt giữa khu vực có các nhà máy công nghiệp nặng gây bức xúc trong dư luận (trước đó Báo GD&TĐ đã liên tiếp có các bài phản ánh), việc thực hiện dự án Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc cũng cho thấy có dấu hiệu thiếu trách nhiệm và “lợi ích nhóm”.

Các hạng mục dang dở tại dự án Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc
Các hạng mục dang dở tại dự án Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc

Công trình trăm tỉ hoang phế

Với mục tiêu “nâng bậc” Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc lên hệ cao đẳng, từ năm 2008, tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án xây dựng mới Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc. Vị trí xây dựng nằm ở giao lộ gữa đường sắt Hà Nội - Lào Cai với đường Nguyễn Tất Thành.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng và được khởi công xây dựng từ năm 2011. Khi dự án được phê duyệt, khởi công là tin vui đối với người dân tại Vĩnh Phúc bởi con em họ nếu muốn theo đuổi ngành nghệ thuật sẽ có một nơi học khang trang, hiện đại, được đầu tư đồng bộ trang thiết bị. Nhưng sau khi khởi công đến nay thì ngoài giảng đường chính và nhà hiệu bộ đã hoàn thành, các hạng mục còn lại phải dừng xây dựng, bỏ hoang phế, xuống cấp cùng thời gian.

Việc gần 10 năm nay công trình dự án bị bỏ hoang đang gây bức xúc trong dư luận tại Vĩnh Phúc. Những ngày cuối tháng 7, có mặt tại vị trí xây dựng dự án, Báo GD&TĐ ghi nhận cảnh hoang tàn ở đây. Toàn bộ khu vực trường học không một bóng người. Bên trong khối nhà chính đã được xây dựng là sự lạnh lẽo của các giảng đường, bụi thời gian, mùi ẩm mốc phủ trên các đạo cụ...

Bên cạnh khối nhà chính là các khối công trình: Hội trường kiêm sân khấu, các nhà chức năng, nhà mỹ thuật - thư viện, nhà ăn, nhà giáo dục thể chất xây dựng dở dang và bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Có hạng mục bỏ hoang được người dân tận dụng làm chuồng để nuôi gà.

“Mới đầu chúng tôi thấy dự án được xây dựng rầm rộ một thời gian rồi máy móc thi công, công nhân xây dựng rút đi hết và bỏ lại công trình nhiều năm nay. Nhìn tiền của Nhà nước đầu tư xây dựng rồi bỏ hoang như thế này người dân chúng tôi xót xa, bức xúc lắm” - người dân sống gần dự án bức xúc khi trao đổi với Báo GD&TĐ.

Việc đã lỡ hay là thiếu trách nhiệm?

Vậy vì sao dự án được đầu tư gần trăm tỉ đồng này đang xây dựng lại phải dừng lại, bỏ hoang phế vô thời hạn? Điều tra của Báo GD&TĐ cho thấy dự án phải dừng lại và bỏ hoang là vì UBND tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện có sự chồng lấn về quy hoạch.

Gần đây nhất, ngày 31/7/2019, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc có Văn bản số 2498/SXD-QHKT gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác nhận có việc trùng lặp ở hạng mục công trình tòa nhà mỹ thuật - thư viện của dự án với phạm vi tuyến đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai.

Vấn đề được dư luận tại tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm là thái độ, trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, lập dự án, phê duyệt dự án sẽ phải được xem xét như thế nào khi có sự chồng lấn dẫn đến dự án bị tê liệt, nhiều hạng mục bỏ hoang như hiện nay.

Tại quyết định điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Vĩnh Yên (nay là TP Vĩnh Yên) được phê duyệt từ năm 2004 đã có quy hoạch tuyến đường nam song song với đường sắt Hà Nội - Lào Cai, tại sao đến năm 2006 UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại quyết định phê duyệt vị trí của trường trùng với quy hoạch trên? Việc chồng lấn quy hoạch gây lãng phí cho đầu tư ngân sách, ai phải là người chịu trách nhiệm?

Tại Văn bản số 2498/SXD-QHKT, ngày 31/7, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc thừa nhận: “Theo quy hoạch chung thị xã Vĩnh Yên được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 5135/2004/QĐ-UB ngày 31/12/2004, tuyến đường song song phía nam đường sắt Hà Nội - Lào Cai đi qua trung tâm Vĩnh Yên được định hướng với mặt cắt 11,25m. Địa điểm dự án Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật được phê duyệt tại QĐ số 533/QĐ-UBND ngày 17/3/2006”.

Lý giải cho việc đã lỡ, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho rằng, theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc xác định giữ nguyên tuyến đường sắt hiện hữu và bố trí tuyến đường sắt khổ rộng 1,43m tại phía Bắc TP Vĩnh Yên giáp với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Về đường bộ xác định tuyến đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai là trục đường trung tâm của đô thị, tuyến phía Nam đường sắt có mặt cắt ngang rộng 24 m. “Khi đó tính từ tim đường sắt được mở rộng từ 20,5m lên thành 33,5 m so với quy hoạch chung thị xã Vĩnh Yên” - văn bản của Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc lý giải.

Tại văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Xây dựng tỉnh này xác nhận: “Năm 2012, sau khi UBND TP Vĩnh Yên kiểm kê bồi thường GPMB tuyến đường phát hiện công trình tòa nhà mỹ thuật - thư viện của dự án đang xây dựng đến tầng 2 nằm trong phạm vi tuyến đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai”.

Từ những sai sót trên, ngày 22/6/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Văn bản số 2429/UBND-CN1 yêu cầu: “Không điều chỉnh hướng tuyến đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai tại vị trí đi qua đất dự án Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật. Yêu cầu chủ đầu tư dự án dừng thi công hạng mục công trình thư viện, phối hợp với Sở Xây dựng quy hoạch địa điểm xây dựng hạng mục công trình tại vị trí khác cho phù hợp”.

Sau chỉ đạo này công trình nhà mỹ thuật - thư viện dừng thi công, dự án đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai cũng… chưa thực hiện thi công.

Điều tra của Báo GD&TĐ cũng cho thấy, để “chữa cháy” cho vụ chồng lấn này, các cơ quan liên quan tại tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị với UBND tỉnh phương án cắt xén đường bằng cách: Giảm mặt cắt ngang đường từ 24,0m xuống còn 19,5m tại vị trí đi qua khu Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật. Trong đó giữ nguyên lòng đường, thu hẹp vỉa hè giáp đường sắt, thu hẹp giải phân cách giữa, thu hẹp vỉa hè tiếp giáp với trường.

Dư luận tại Vĩnh Phúc cho rằng, đây là phương án “chữa cháy” làm méo mó quy hoạch chung của cả tuyến đường. Tỉnh Vĩnh Phúc cần phải nghiêm túc xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ