Thanh Hóa: Dự án nhà máy xi măng nghìn tỷ “đắp chiếu” 12 năm bị dừng thực hiện

GD&TĐ - Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn ở huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng. Sau hơn 10 năm khởi công (năm 2009), đến nay dự án vẫn “đắp chiếu”.

Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn bỏ hoang hơn một thập kỷ.
Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn bỏ hoang hơn một thập kỷ.

Người dân khổ vì nhường đất cho dự án

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, cho thuê đất năm 2009. Sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng các hạng mục, như: Nhà ở công nhân, tường rào bao quanh nhà máy, ép cọc bê tông móng và một số công trình phụ trợ khác.

Thế nhưng, đến cuối năm 2010, các hoạt động tại dự án này đều dừng lại. Đến nay, nhiều hạng mục được xây dựng bị hư hỏng, nhiều nơi thành bãi chăn thả trâu bò, ao thả cá, trồng ngô.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn do Công ty Cổ phần xi măng Thanh Sơn làm chủ đầu đầu tư. Nhà máy này được xây dựng bằng công nghệ hiện đại, sản xuất theo phương pháp khô, điều khiển tự động với công suất 2.500 tấn clinker/ngày, chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7024: 2002...

Để có mặt bằng xây dựng nhà máy, huyện Ngọc Lặc phải giải phóng gần 40ha đất nông nghiệp của hơn 200 hộ dân ở 4 thôn: Thanh Sơn, Vân Sơn, Lương Sơn và Hồng Sơn của xã Thúy Sơn, trong đó có 37 hộ phải di dời hoàn toàn. Theo dự kiến, Nhà máy xi măng Thanh Sơn đi vào sản xuất trong quý 1 năm 2010.

Để chuẩn bị cho Nhà máy xi măng Thanh Sơn hoạt động, chủ đầu tư đã kêu gọi con em gia đình nông dân bị thu hồi đất đi học để về phục vụ cho nhà máy. Vì vậy, đã có khoảng hơn 300 người ở xã Thúy Sơn đi học, nhưng rồi đều trở thành...thất nghiệp.

Ông Đỗ Xuân Tám, ở Thúy Sơn, cho biết: Gia đình ông đã nhường 1,3ha đất cho dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn. Sau đó, nghe theo vận động của chủ đầu tư, ông Tám đồng ý cho 3 người con của mình đi học công nghệ sản xuất xi măng.

Trong 3 người con của ông Tám, có người đang là giáo viên ở thời điểm đó cũng xin ra khỏi ngành để về đi học công nghệ sản xuất xi măng. Gia đình ông Tám đã phải mất khoảng 40 - 50 triệu đồng cho các con theo học công nghệ sản xuất xi măng trong thời gian 14 tháng.

Còn bà Phạm Thị Lan, cũng ở xã Thúy Sơn cho biết, hơn 10 năm trước, người dân thấy công ty vào động thổ rầm rộ, khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn, nhưng sau đó không làm gì thêm. Đất đai bỏ hoang hàng chục năm trời rất lãng phí, trong khi người dân thiếu công ăn, việc làm, thu nhập bấp bênh.

Ông Phạm Văn Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng, huyện Ngọc Lặc, cho biết: Hệ lụy của dự án xi măng Thanh Sơn để lại khá nặng nề cho cả chính quyền địa phương và người dân.

Nhà máy xi măng Thanh Sơn đã chậm tiến độ nhiều năm nay, gây lãng phí đất sản xuất trên địa bàn. Nếu dự án tiếp tục được triển khai, sẽ ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị huyện Ngọc Lặc, bởi đây là đô thị trung tâm miền núi phía Tây của tỉnh.

Về lĩnh vực giao thông cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều, vì trục đường đi qua Nhà máy xi măng Thanh Sơn là trục chính trung tâm của đô thị miền núi. Nếu nhà máy hoạt động, sẽ có xe tải trọng lớn lưu thông và gây ra những hệ lụy khác...

Do đó, UBND huyện Ngọc Lặc kiến nghị tỉnh, các cấp nhanh chóng thực hiện thu hồi dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng Thanh Sơn. Đồng thời kêu gọi đầu tư các dự án phụ hợp với quy hoạch chung đô thị và cảnh quan khu vực này.

Nhà ở của công nhân trong dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn cũng bỏ hoang.
Nhà ở của công nhân trong dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn cũng bỏ hoang.

Dừng thực hiện dự án

Sau nhiều năm dừng thi công, đến năm 2021, chủ đầu tư Nhà máy xi măng Thanh Sơn có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị cho phép nâng công suất lên 2,5 triệu tấn/năm, gấp gần ba lần công suất ban đầu.

Tuy nhiên, UBND huyện Ngọc Lặc đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa không xem xét điều chỉnh công suất Nhà máy xi măng Thanh Sơn. Có hướng xử lý, thu hồi dự án do vi phạm tiến độ đầu tư và các quy định pháp luật.

Huyện Ngọc Lặc cũng đề nghị UBND tỉnh nên bỏ quy hoạch Nhà máy xi măng Thanh Sơn, để điều chỉnh quy hoạch khu đất. Định hướng thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường....

Đồng thời, UBND huyện Ngọc Lặc chỉ đạo UBND xã Thúy Sơn tổ chức lấy ý kiến với các hộ dân của 5 thôn (958 hộ dân) quanh khu vực nhà máy. Kết quả cho thấy, 717 hộ dân tham gia lấy ý kiến, thì có 715 hộ không đồng ý tiếp tục thực hiện dự án này, vì sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân...

Sau khi xem xét, Thường trực tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị và thống nhất chủ trương dừng triển khai thực hiện dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn theo đề nghị của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Thanh Hóa. Bởi, đây là dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 1.430 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2009, nhưng đã bỏ hoang nhiều năm.

Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hoá giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận dừng triển khai thực hiện dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn. Trên cơ sở đó, sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại của dự án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.