Thưa thầy, bài học chiều nay
Con bỏ quên ngoài cửa lớp
Dưới gốc phượng già, nằm nghe
chim hót
Con hóa mình thành bướm và hoa
Thưa thầy, bài học hôm qua
Con bỏ vào ngăn khóa kín
Mải lượn lờ theo từng vòng sóng
Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin
Thưa thầy, bên ly cà phê đen
Con đốt thời gian bằng khói thuốc
Sống cho mình và không bao giờ
mơ ước
Mình sẽ là ai? Tôi sẽ là ai?
Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy
khuya nay
Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng
Thầy ngồi bên bàn lẳng lặng
Soạn bài trong tiếng ho khan...
Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn
Sao con học hoài không thuộc
Để bây giờ khi con hiểu được
Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy.
Tạ Nghi Lễ
Lời bình của Đặng Văn
Nhân vật xưng “con” trong bài thơ “Thưa thầy” của Tạ Nghi Lễ chắc cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Có điều, hình thức kỉ luật như thế nào thì không thấy nhân vật “con” đề cập đến trong suốt diễn tiến của câu chuyện thơ.
Phải chăng đó là điều mà tác giả muốn nhắn gửi tới người đọc: Giáo dục, nếu chỉ nặng về kỉ luật, thiếu đi tình thương và trách nhiệm thì khó có thể đem lại kết quả như mong muốn.
Nhân vật thơ không chỉ mắc phải một lỗi mà rất nhiều lỗi như đã nói ở phần trên, nhưng đã biết nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của mình, chính nhờ một lần: “Qua ngõ nhà thầy khuya nay/Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng/Thầy ngồi bên bàn lẳng lặng/Soạn bài trong tiếng ho khan...”.
Đây là khổ thơ có sức nặng nhất trong bài. Vẫn là lời tự sự như ở ba khổ trên, nhưng cách so sánh thầy với “vầng trăng ấm sáng” đã thể hiện sự trân quý, tình cảm chân thành, ấm áp của nhân vật thơ dành cho thầy giáo của mình.
“Tiếng ho khan” lúc soạn bài trong đêm khuya vắng lặng của người thầy, chắc cũng không còn trẻ nữa, đã không chỉ khiến cậu học trò ham chơi chạnh lòng mà độc giả cũng thấy cảm động trước nỗi vất vả, những đam mê thầm lặng, sự tận tụy hết mình cho sự nghiệp trồng người của những “kĩ sư tâm hồn” cao quý.
Thưa thầy, cho là nhận: điều
giản đơn
Sao con học hoài không thuộc
Để bây giờ khi con hiểu được
Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy.
Cuộc sống luôn có những tình huống, những sự việc khiến con người ta phải day dứt, ăn năn, hối hận. Nhân vật thơ cũng vậy. Khi đã hiểu được điều giản đơn của bài học làm người từ thầy giáo đáng kính thì có thể đã là quá muộn: “Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy”?
Mỗi khổ thơ đều được bắt đầu bằng hai chữ “thưa thầy” ở dòng đầu tiên, cho thấy người học trò, nhân vật xưng “con” rất mực lễ phép và kính trọng thầy giáo của mình. Và như vậy chỉ cần các em biết nhận ra khuyết điểm, thậm chí là lỗi lầm của mình cùng thái độ ăn năn hối lỗi thì đã thực sự khiến cho bao công sức vất vả, bao chăm lo khuya sớm của các thầy cô không uổng phí.
Với hình thức tự sự rất mộc mạc, thậm chí còn hơi đơn giản, bài thơ của Tạ Nghi Lễ đã lấy được cảm tình của người đọc, nhờ cảm xúc chân thành, cách diễn đạt trong sáng rất phù hợp với lứa tuổi học sinh. Giá trị của người thầy sẽ luôn được tôn vinh thông qua những việc làm, những hành động âm thầm mà cao đẹp. Tất cả vì những đàn em thân yêu.