Thư viện xanh trên vùng đất khó

GD&TĐ - Muốn “truyền lửa” văn hóa đọc cho học trò, thầy Đặng Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân huyện, Quan Hóa (Thanh Hóa) đã xây dựng hệ thống thư viện xanh rất hữu ích.

Cô Phạm Thị Hương hướng dẫn học trò của mình trong giờ đọc sách ở thư viện xanh, tại điểm trường bản Giá.
Cô Phạm Thị Hương hướng dẫn học trò của mình trong giờ đọc sách ở thư viện xanh, tại điểm trường bản Giá.

Tâm tư của thầy hiệu trưởng

Trường Tiểu học Thanh Xuân thuộc diện khó khăn của huyện miền núi Quan Hóa. Tuy nhiên, với tâm huyết của mình, thầy Viên đã vận động phụ huynh HS, người dân địa phương và GV trong trường xây dựng hệ thống thư viện xanh, phòng đọc sách, báo. Không chỉ ở điểm trường chính, các điểm trường lẻ, thầy Viên cũng đã xây dựng được thư viện xanh, nhằm “truyền lửa” văn hóa đọc cho học trò.

Cũng theo thầy Viên, xã Phú Xuân có 11 bản, trong đó, 6 bản nằm bên hữu ngạn sông Mã, gồm: Bản Vui, Giá, Sa Lắng, Mí, Phé và bản Giá. Nhiều bản làng xa xôi của xã Phú Xuân, cách xa trung tâm xã hàng chục cây số, giao thông đi lại khó khăn; kinh tế chậm phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hầu hết HS của các điểm trường lẻ là người dân thiểu số, chưa mạnh dạn, tự tin tham gia vào hoạt động tập thể. Các em còn e dè trong giao tiếp trước đám đông. Điều đó, ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường Tiểu học Thanh Xuân có 4 điểm trường. Điểm trường chính đặt tại trung tâm xã (bản Éo). Khoảng cách từ điểm trường chính vào điểm trường bản Giá là 12 km, điểm trường bản Vui 9 km và điểm trường Tân Sơn 5 km. 

Thầy Viên cho cho biết thêm: “Ở nhiều trường học, thư viện được coi là một kho chứa sách bởi đồ đạc lỉnh kỉnh. Thiết bị đồ dùng dạy học lẫn với tài liệu, không theo một quy cũ thống nhất. Nguồn tài liệu của thư viện không được khai thác, gây lãng phí. Số lượng các đầu sách không nhiều và chất lượng không cao, không hướng tới nhu cầu của đọc giả, ít lựa chọn cho HS...”.

Bên cạnh đó, vị trí của thư viện đặt không hợp lý trong khuôn viên của trường, không thuận lợi cho HS lui tới. Thời gian hoạt động của thư viện theo giờ hành chính - mở cửa khi HS đã vào học và đóng cửa trước khi các em tan trường. Trong khi thời gian nghỉ giải lao ở trường của HS lại hạn hẹp khiến học trò ngày càng ngại đến thư viện.... 

Thầy Đặng Xuân Viên hướng dẫn học trò chơi cờ vua ở trong thư viện xanh của trường. Ảnh: TG
Thầy Đặng Xuân Viên hướng dẫn học trò chơi cờ vua ở trong thư viện xanh của trường. Ảnh: TG

Thư viện xanh phủ kín điểm trường

Với tâm tư và suy như vậy, thầy Đặng Xuân Viên đã vận động xây dựng thư viện xanh, để “truyền lửa” văn hóa đọc cho học trò.

Trải qua những cố gắng, nỗ lực vượt khó, đến nay Trường Tiểu học Thanh Xuân có một hệ thống thư viện xanh, ở tất cả điểm trường. Đến với thư viện xanh, các em không những được tự lựa chọn sách, truyện, tài liệu tham khảo để đọc, còn được tham gia các hoạt động, như: Chơi cờ vua, xếp hình, hát, vẽ, các trò đố vui.... Đồng thời, các em được rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết... Đây là một giải pháp hợp lí mang lại hiệu quả cao trong giáo dục của
nhà trường.

Thầy Viên chia sẻ: “Để thư viện xanh hoạt động hiệu quả, nhân viên thư viện có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp nguồn sách, báo, tạp chí được bổ sung. Tham mưu cho hiệu trưởng việc mua sắm, bổ sung. Thực hiện luân chuyển sách, báo, tạp chí giữa các điểm trường theo định kỳ hoặc 3 tháng/lần vào cuối tháng 10, đầu tháng 1 và đầu tháng 5.

Riêng việc luân chuyển sách đầu tháng 5, mục đích là sẽ cho HS đăng ký mượn đọc trong hè. Chủ yếu là sách có nội dung về Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng (mỗi em 2 - 3 cuốn). Yêu cầu các em có thể đọc thuộc (nếu là thể loại thơ) hoặc nhớ được nội dung (nếu thể loại văn xuôi), để tháng 10 giao lưu cấp lớp, tháng 11 giao lưu điểm trường”. 

Ngoài thư viện xanh, nhà trường còn dành riêng một phòng đọc, để HS vào đọc sách.
Ngoài thư viện xanh, nhà trường còn dành riêng một phòng đọc, để HS vào đọc sách.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng huy động nguồn lực mua sắm, bổ sung nguồn tài liệu, sách, báo tạp chí hàng năm cho thư viện xanh với phương châm: Tự nguyện, nhẹ nhàng, vừa sức và hiệu quả.

“Hàng ngày, không chỉ GV, HS đọc sách trong thư viện, phụ huynh cũng tranh thủ lúc đưa đón HS cùng tham gia đọc sách, báo. Đó là hiệu quả bước đầu, tạo môi trường học tập tích cực, các em có cơ hội khám phá mọi tiềm năng của mình”, thầy Viên chia sẻ.

Theo cô Phạm Thị Hương, GV lớp 2G, điểm trường bản Giá, điểm trường bản Giá xa xôi, khó khăn nhất. Thế nhưng, từ khi nhà trường xây dựng được thư viện xanh, cô trò chúng tôi rất hứng khởi sau mỗi giờ vào thư viện đọc sách. Có thư viện xanh, các con chăm đọc sách, truyện tranh, truyện thiếu nhi, học chơi cờ vua... Mặc dù điều kiện thư viện ở điểm trường còn thiếu thốn nhiều, nhưng để có không gian phục vụ cho các con đọc sách như vậy là sự nỗ lực lớn của nhà trường, trong đó thầy hiệu trưởng là chủ công.

Em Phạm Hoài Băng, HS lớp 3A, điểm trường chính Trường Tiểu học Thanh Xuân tâm sự: “Từ khi có thư viện xanh, trong giờ ra chơi, con vào thư viện đọc sách, truyện tranh và thi thoảng cũng học chơi cờ vua. Bố em cũng tranh thủ vào thư viện xem sách, báo trong khi chờ con tan học. Các thầy, cô giáo luôn đợi khi không còn ai nán lại đọc sách, báo nữa mới đóng cổng trường”.

Cảm ơn thầy Hiệu trưởng Đặng Xuân Viên. Nhờ thầy, các con chúng tôi có môi trường tiếp cận với văn hóa đọc, hình thành thói quen đọc sách. Thầy Viên và các thầy, cô giáo của trường đã “truyền lửa” văn hóa đọc cho học trò của mình. - Anh Hà Văn Thuyết, có con theo học Trường Tiểu học Thanh Xuân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ