Thư viện xanh - hiệu quả với điểm trường vùng cao

GD&TĐ - Những năm qua, thư viện xanh ra đời tại nhiều trường học trong cả nước đã góp phần tạo môi trường đọc sách thân thiện và nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, mô hình thư viện xanh đã góp phần vào việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS).

Thư viện xanh - hiệu quả với điểm trường vùng cao

Tạo thói quen đọc sách cho học sinh

Với tiêu chí gần gũi, thân thiện và tạo hứng thú đọc sách cho học sinh, nhiều trường đã bố trí những tủ sách xinh xắn dưới bóng cây, cạnh cầu thang lên xuống của trường... thư viện xanh đã góp phần tăng cường văn hóa đọc cho học sinh. Qua đó trau dồi thêm vốn tri thức hiểu biết về các lĩnh vực khoa học, kỹ năng sống cho bản thân.

Nhiều trường dành kinh phí xây dựng tủ sách cho giáo viên và học sinh có đủ sách giáo khoa, sách tham khảo, sách truyện thiếu nhi... Thư viện xanh ở các trường được xây dựng theo hướng đa dạng với không gian mở tạo thuận lợi cho học sinh đọc sách ở mọi nơi, mọi lúc. 

Thông qua việc phát triển sách truyện và tài liệu học tập phù hợp với lứa tuổi cũng như văn hóa truyền thống của các DTTS, nâng cao năng lực cho GV, người chăm sóc và cha mẹ, cũng như sử dụng phương pháp tiếp cận giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ... trẻ DTTS đã tự tin, mạnh dạn và nói tiếng Việt lưu loát hơn.

Từ khi có góc thư viện xanh, số lượng học sinh đọc sách mỗi ngày một đông hơn, cuốn hút hơn. Các em đọc sách với tinh thần tự nguyện, đam mê và thích thú. Nhiều học sinh không chỉ đam mê đọc ở trường mà còn thường xuyên mượn sách về nhà để cùng cha mẹ, người thân đọc sách.

Thầy Hoàng Văn Cương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cư Lễ - Na Rì (Bắc Kạn) cho biết: "Thư viện xanh của trường, phần lớn là sách do học sinh các lớp quyên góp, các em có thể đọc ngay tại trường hoặc mượn về nhà đọc. Cùng với đó, nhà trường luôn đảm bảo cho các em có đầy đủ sách giáo khoa và mọi nguồn sách tham khảo tốt nhất”.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS

Thầy Nông Đình Huyên – Chuyên viên phụ trách Tiểu học, Phòng Giáo dục Na Rì (Bắc Kạn) cho biết: Để trẻ DTTS nói tiếng Việt lưu loát, trước hết phải tạo cho trẻ thói quen tự học, tự đọc thông qua thư viện. Trước đây thư viện các trường miền núi vốn đã rất nghèo nàn lại còn không tiện dụng cho người học nhưng nay hệ thống thư viện xanh đã lôi cuốn được rất nhều học sinh đến đọc.

Thông qua hệ thống thư viện xanh, các em có thể trau dồi vốn kiến thức đã học và sử dụng tiếng Việt thành thạo. Với mô hình này, trẻ rất hứng thú và đã đem lại hiệu quả tốt, đồng thời với đó, giáo viên cần phải học để nghe, nói được tiếng dân tộc của trẻ để có thể giao tiếp với trẻ.

Ngoài ra, các nhà trường cũng đã phối hợp với các ngành chức ngăn nghiên cứ biên soạn các loại sách tham khảo, các loại tranh ảnh, đồ dùng, đồi chơi có yếu tố tăng cường tiếng Việt để bổ sung vào nguồn tư liệu phục vụ hoạt động giáo dục tại các góc thư viện xanh của các nhà trường.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS không chỉ thông qua dạy môn Tiếng Việt mà còn thông qua nhiều phương pháp khác, trong đó đọc sách có thể giúp các em nắm bắt kiến thức và học tập tốt.

Việc giúp trẻ học tiếng Việt thông qua môi trường thư viện là một trong những phương pháp, cách làm hay, hiệu quả, giúp trẻ tiếp cận và nạp được nhiều vốn từ vựng, kiến thức nhiều hơn. Thông qua đọc, trẻ không những học tập tốt mà còn củng cố thêm cho mình được vốn sống, vốn văn hóa cần thiết trong cuộc sống… qua những câu chuyện, tình huống trong mỗi cuốn sách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.