Thư viện thân thiện của học sinh vùng cao: Để sách đi tìm học trò

GD&TĐ - Để học sinh dễ dàng tiếp cận với sách, nhiều trường học miền núi xây dựng mô hình thân thiện như đưa tủ sách về lớp học, mở rộng không gian đọc với thư viện xanh…

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Nam dễ dàng đọc sách mọi lúc, mọi nơi với mô hình thư viện mini tại lớp học.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Nam dễ dàng đọc sách mọi lúc, mọi nơi với mô hình thư viện mini tại lớp học.

Thư viện mini trong lớp học

Cả 12 lớp học của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đều có tủ sách nhỏ với khoảng 30 - 40 đầu sách/lớp học.

Thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nhà trường có thư viện truyền thống được đầu tư nhiều đầu sách, từ sự ủng hộ của các nhóm thiện nguyện. Tuy nhiên, số HS chủ động đến thư viện để mượn sách không nhiều. Chưa kể, để mượn sách, các em phải dành một thời gian nhất định tìm mục lục sách, ghi phiếu mượn… So với HS vùng đồng bằng, HS vùng cao, nhất là bậc tiểu học không biết chọn sách nào để đọc cho phù hợp. Trong khi đó, nhân viên thư viện của trường là GV kiêm nhiệm, còn phải đứng lớp giảng dạy nên thời gian ở thư viện rất ít.

Từ trăn trở này, thầy Chín đề xuất nguyện vọng với một nhóm thiện nguyện về mô hình thư viện con trong các lớp học. 12 tủ sách nhỏ bằng gỗ xinh xắn được trao tặng cho trường vào đầu năm học 2020 – 2021,  giúp HS Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Trà Nam có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi.

Cứ khoảng 1 - 2 tuần, GV chủ nhiệm các lớp và HS thuộc đội cộng tác viên của thư viện sẽ thực hiện việc hoán đổi sách cho các lớp. “Sách sẽ được phân chia cho các lớp theo độ tuổi. Học sinh lớp 1 - 2 thường chọn những truyện tranh dễ hiểu. HS bậc THCS ngoài sách truyện, sách tham khảo, sách tìm hiểu tự nhiên – xã hội như Khoa học kỳ thú…, mỗi lớp có một cách trang trí tủ sách riêng của mình” – thầy Chín cho biết.

Theo nhận xét của nhiều GV, tủ sách nằm ngay trong lớp học nên giờ ra chơi hay khi HS đến lớp sớm, các em có thể tranh thủ đọc sách mà không phải di chuyển lên thư viện, nhất là vào những ngày mưa gió. Với những quyển sách dày, HS rất tiện để đọc tiếp vào buổi sau đó, không mất nhiều thời gian tìm kiếm. 

Học sinh vùng núi cao Nam Trà My háo hức tìm sách đọc với xe sách lưu động.
Học sinh vùng núi cao Nam Trà My háo hức tìm sách đọc với xe sách lưu động. 

Xin sách cho trò

Không xây dựng mô hình mini tại các lớp học, Trường PTDTBT THCS Trà Mai (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) phát triển mô hình thư viện xanh, đưa sách ra khỏi 4 bức tường của thư viện.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài phòng đọc ở khu thư viện, HS có thể mang sách ra đọc dưới các tán cây được nhà trường đặt các xích đu, chậu hoa nhỏ. Một số khu vực của nhà trường cũng đặt khoảng 3 - 4 máy tính bàn, có kết nối Internet để HS có thể tìm kiếm thông tin hoặc đọc sách điện tử. Nhà trường còn thiết kế các tủ sách di động đặt tại vườn hoa, khu vui chơi, một số góc của sân trường để HS có thể mượn sách đọc mà không phải vào thư viện để đăng ký. Sách tại các tủ sách di động cũng được cán bộ thư viện Trường PTDTBT THCS Trà Mai luân chuyển để HS có thể tiếp cận nhiều đầu sách phong phú.

Để có thêm sách mới bổ sung cho thư viện, trong điều kiện kinh phí eo hẹp, thầy Nguyễn Khắc Điệp và thầy Võ Đăng Chín thường xuyên kết nối với các nhóm thiện nguyện để… xin sách cho HS.

Mô hình thư viện xanh của Trường PTDTBT THCS Trà Mai cũng được các mạnh thường quân tài trợ với kinh phí hơn 200 triệu đồng, với hàng ngàn đầu sách quý.

Đọc sách, ngoài việc giúp trau dồi kiến thức khoa học, xã hội cho học sinh, còn là cách để rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ - kỹ năng quan trọng cho dù sau này học sinh học tập, làm việc ở bất cứ lĩnh vực nào. Với HS vùng đồng bào dân tộc, sách còn mở ra cho các em những chân trời rộng hơn trong điều kiện các hình thức vui chơi, giải trí khác còn hạn chế. Bởi vậy, bên cạnh những nỗ lực xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung nguồn sách, cần phải gỡ những rào cản để HS dễ dàng tiếp cận với sách, dần dần hình thành văn hóa đọc cho học sinh. Khi học sinh say mê đọc, chủ động tìm đến sách mới có thể phát huy được hiệu quả thực tế của thư viện. Xây dựng thư viện thân thiện, vì thế, là một kênh giúp nhà trường cùng với gia đình góp phần hình thành văn hóa đọc cho HS.

Ngoài sách giáo khoa đã qua sử dụng, từ nguồn sách cho, tặng, nhà trường có nhiều bộ sách có giá trị như Chuyện cổ tích Việt Nam, bộ truyện cổ Grim, Khoa học kỳ thú… vừa tăng vốn kiến thức cho HS vừa giúp các em hình thành được thói quen đọc sách. - Thầy Võ Đăng Chín

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.