Thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng này sẽ là một nơi ấm cúng và chào đón trẻ em tới thư giãn, đọc, mượn sách và tạp chí, chơi trò chơi giúp tăng cường kỹ năng ngôn ngữ và sự phát triển đa dạng, đồng bộ của trẻ.
Ngoài các loại sách báo tạp chí cho trẻ em và phụ huynh, thư viện còn có đồ chơi và các trang thiết bị phục vụ học tập khác như các phầm mềm cơ bản, máy tính, các thiết bị nghe nhìn.
Thư viện rất cần thiết cho việc nuôi dưỡng thói quen đọc của trẻ và thúc đẩy sự sẵn sàng học tập cũng như sự chuyển tiếp từ mầm non sang cấp tiểu học. Giáo viên, phụ huynh học sinh cũng có thể tra cứu nhiều tài liệu về nuôi dạy trẻ tại thư viện hoặc cùng chơi - sáng tạo với con.
Ông Jesper Moller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, cho biết: Những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng trong việc tạo nền tảng cho việc phát triển trí tuệ, nhân cách, hành vi xã hội và khả năng học hỏi để khi trưởng thành trẻ có thể trở thành người có ích cho xã hội.
Còn theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Bá Minh, thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng là một mô hình phòng chức năng ở bậc học mầm non.
Tính “thân thiện” đảm bảo thư viện là nơi gần gũi, phù hợp và hấp dẫn với trẻ, nơi trẻ được chào đón đến để thư giãn, vui chơi, trải nghiệm với sách, tranh ảnh và các phương tiện thông tin khác qua kênh hình, kênh tiếng, kênh chữ, góp phần vào việc chăm sóc trẻ toàn diện.
Tính “cộng đồng” được thể hiện ở việc thu hút giáo viên, phụ huynh, các tổ chức chính trị xã hội vào quá trình đề xuất, thiết kế, xây dựng, quản lý và khai thác thư viện.
Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cũng đề nghị Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có những nghiên cứu mới từ mô hình thử nghiệm này nhằm nhân rộng sang các địa phương khác.