Thư viện số… chuyển mình

GD&TĐ - Chuyển đổi số là nhiệm vụ cấp thiết của thư viện trong các cơ sở giáo dục đại học, nhằm mang lại sự tiện lợi cho người học trong việc tìm kiếm và khai thác thông tin phục vụ cho học tập, nghiên cứu. 

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội
tra cứu tài liệu trên thư viện số. Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội tra cứu tài liệu trên thư viện số. Ảnh: NTCC

Tra cứu mọi lúc, mọi nơi

Nguyễn Thị Thanh Huyền - sinh viên ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong quá trình học tập thường sử dụng nền tảng VNU-LIC - phần mềm đọc sách mọi lúc mọi nơi của Trung tâm Thư viện - Tri thức số của ĐH Quốc gia Hà Nội. Huyền chỉ cần chọn, ứng dụng sẽ báo tới giờ đọc sách và cho biết cuốn sách này cần đọc trong bao nhiêu ngày. Bên cạnh đó, việc tìm đề tài nghiên cứu, hay khoá luận trên “thư viện số” cũng vô cùng thuận tiện, dễ dàng và hoàn toàn miễn phí. “Em có thể tranh thủ truy cập vào App VNU-LIC mọi lúc, mọi nơi nên hỗ trợ đắc lực trong học tập”, Thanh Huyền cho hay.

Để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học, mới đây ĐH Quốc gia Hà Nội khởi công xây dựng Trung tâm Thư viện – Tri thức số tại Hòa Lạc. Dự kiến, Trung tâm sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022, sẵn sàng phục vụ khi 1.500 sinh viên lên sinh sống và học tập tại đây vào tháng 9/2022. PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định: Chuyển đổi số của đơn vị này trước tiên là từ thư viện.

Với 51.000 đối tượng số nội sinh VNU-LIC được Google Scholar đánh chỉ mục, so với mức xếp hạng là 816 tháng 1/2015, kho tài nguyên nội sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội đã tăng 767 bậc. Qua đó, đã phản ánh tốc độ chuyển đổi số rất nhanh của ĐH Quốc gia Hà Nội về lĩnh vực số hóa học liệu và chuyển đổi số thư viện VNU-LIC trong hơn 6 năm qua.

Theo số liệu cập nhật ngày 4/2, kho tài nguyên số nội sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội tăng hạng xếp thứ 49/3.751 thư viện số đại học/học viện (tăng 5 bậc so với tháng 9/2021); đồng thời tăng hạng xếp thứ 60/3.885 thư viện số toàn cầu (tăng 5 bậc so với tháng 9/2021).

Nhấn mạnh, chuyển đổi số trong thư viện là nhiệm vụ cấp thiết của các Trung tâm Thông tin – Thư viện, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) khẳng định: Việc này không những cải thiện quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức làm việc cho nhân viên mà còn mang đến sự tiện lợi, với nhiều dịch vụ tiện ích cho người dùng trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin.

“Có thể nói, chương trình chuyển đổi số thư viện là cơ sở tạo đột phá trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển văn hoá đọc. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sự thay đổi phương thức học tập và làm việc từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến khiến công tác chuyển đổi số ngành thư viện càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã chỉ đạo Trung tâm Thông tin – Thư viện tích cực thực hiện lộ trình chuyển đổi số với nhiều giải pháp cụ thể, nhằm tạo đà cho thư viện số “chuyển mình” theo hướng đa dạng, phong phú và bắt nhịp với xu thế mới. Theo đó, nhà trường đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm thư viện 5.0. Đồng thời cung cấp trang thiết bị hiện đại, phục vụ công tác số hóa toàn bộ tài liệu hiện có trong thư viện.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) chính thức ra mắt thư viện số. Ảnh: NTCC
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) chính thức ra mắt thư viện số. Ảnh: NTCC

“Thủ thư số”

Trung tâm Thông tin – Thư viện của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã xây dựng bộ sưu tập tài liệu với 12 chuyên ngành đào tạo, gồm giáo trình và tài liệu tham khảo với trên 3.700 tài liệu. Ngoài ra, Trung tâm còn mua quyền truy cập 2 cơ sở dữ liệu điện tử chuyên sâu ProQuest Central và SienceDirect đáp ứng việc học tập và nghiên cứu khoa học.

“Trong thời đại 4.0, việc đọc sách và văn hóa đọc là thách thức mang tính thời đại. Để duy trì văn hóa đọc trong thời đại công nghệ số, cần có sự kết nối và phát triển đồng bộ với các ngành phụ trợ khác như: Thư viện, xuất bản, phát hành sách in và điện tử. Công nghệ số đã đưa đến nhiều cơ hội cho văn hóa đọc, trong đó hạ tầng và tri thức về công nghệ thông tin là yếu tố then chốt thúc đẩy văn hóa đọc trong giai đoạn mới” - PGS.TS Nguyễn Thành Nhân nêu quan điểm, đồng thời cho biết: Trung tâm Thông tin và Thư viện của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã tổ chức trưng bày hơn 2.000 ấn phẩm, trong đó hầu hết đã được số hoá để giới thiệu đến độc giả.

Theo ông Dương Bá Khanh – nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện, Trường Cán bộ quản lý Giáo dục TP Hồ Chí Minh, trong nền kinh tế tri thức hiện nay, chức năng của thư viện ngày càng thay đổi, không còn gói gọn trong việc lưu trữ và cho mượn sách. Kỷ nguyên công nghệ 4.0 mở ra một thời đại mà ở đó sách và tài liệu giấy không còn ở vị trí độc tôn. Các thư viện không còn là sự lựa chọn duy nhất khi muốn tìm kiếm và tra cứu thông tin. Cùng với đó, con người trong xã hội hiện đại ngày càng có xu hướng sử dụng các tài liệu điện tử, số hóa với vô vàn lợi ích vượt trội.

Với các phần mềm thư viện số phổ biến hiện nay, ông Khanh nhìn nhận, đã qua cái thời mà các thủ thư phải làm việc hàng ngày với đống giấy tờ tài liệu, tất cả chỉ được ghi chép và quản lý trong những quyển sổ thủ công. Trong kỷ nguyên thông tin, vai trò của thủ thư thay đổi nhanh chóng. Họ sẽ trở thành những nhà tổ chức và chuyên gia thông tin trong xã hội. Những “thủ thư số” sẽ là người lựa chọn, bổ sung, bảo quản, tổ chức và quản lý các bộ sưu tập số, thiết kế kết cấu kỹ thuật cho thư viện số; mô tả nội dung và thuộc tính của đầu mục hoặc đối tượng, lập kế hoạch, thực hiện và hỗ trợ các dịch vụ số như định hướng thông tin, tư vấn và chuyển giao… Tất cả sẽ khiến công việc của các “thủ thư số” trở nên tiện lợi và nhanh chóng rất nhiều.

Công tác số hóa hoạt động của các thư viện cũng đặt ra bài toán cho các thư viện truyền thống hiện nay. Việc áp dụng rộng rãi phần mềm thư viện số đòi hỏi các thư viện phải có sự đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện nguồn tài liệu điện tử; trong đó có nguồn tài liệu được số hoá. Cán bộ thư viện cần được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm việc trong các thư viện số, từ đó trở thành cầu nối giữa bạn đọc với kho dữ liệu số tiềm tàng này - ông Dương Bá Khanh nhìn nhận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ