Bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chương trình thì việc xây dựng thư viện các trường đại học trở thành những trung tâm học liệu, đáp ứng tốt nhu cầu tự học, tự nghiên cứu cho giảng viên(GV) và sinh viên (SV) là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Nâng cao vai trò tự học của sinh viên
Việc đảm bảo thông tin tri thức cho người dạy và người học trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có một ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Đặc biệt là với việc đào tạo theo tín chỉ như hiện nay thì các trung tâm thông tin thư viện (thư viện) các trường ĐH, CĐ đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học cho GV và SV.
Các thư viện các trường ĐH, CĐ đã xây dựng và phát triển vốn học liệu, nguồn thông tin phong phú, phù hợp với chương trình giáo dục của nhà trường, có khả năng đáp ứng nhu cầu học tập giảng dạy và nghiên cứu. Nhiều trường đã xây dựng được nguồn học liệu phong phú như: Sách giáo khoa, giáo trình, các tài liệu tham khảo, các luận án, luận văn, công trình nghiên cứu… về các lĩnh vực tri thức và các ngành trong chương trình đào tạo của nhà trường.
Với phương thức quản lí đào tạo theo hình thức tín chỉ, yêu cầu sinh viên phải tự học, tự đọc nhiều hơn. Thư viện ĐH phải trở thành giảng đường thứ 2 của SV. Đồng thời, thư viện cũng trở thành nơi cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho SV, GV có những kiến thức bổ ích, góp phần giúp nhà trường hoàn thành việc đào tạo theo tín chỉ và nghiên cứu khoa học.
Thư viện các trường ĐH, CĐ đã góp phần không nhỏ trong việc làm thay đổi phương cách tìm hiểu, lựa chọn, khai thác, sử dụng thông tin và tri thức của người học. Điều đó giúp cho người học có thể phát huy tính sáng tạo và thực hiện phương châm: Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Với GV, thư viện đã hỗ trợ cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy ở bậc đại học. Thay vì lên lớp thuyết trình, áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, người dạy sẽ cung cấp kiến thức cơ bản, nêu vấn đề, đưa ra các yêu cầu thảo luận hoặc ra các bài tập nhóm, giới thiệu nguồn tài liệu phong phú sẵn có của thư viện, hướng dẫn và yêu cầu SV tham khảo, nghiên cứu tài liệu để có đủ dữ liệu cần thiết phục vụ cho việc học tập, thảo luận. Thay vì trao truyền kiến thức đơn thuần, người dạy đã hướng dẫn SV tự tìm ra lời giải đáp cho vấn đề được đặt ra.
Với người học, thư viện cũng đã hỗ trợ cho việc thay đổi phương pháp học tập ở bậc đại học. Thay vì học theo bài giảng hay giáo trình của thầy, cô giáo, các SV đến thư viện tìm kiếm các tài liệu liên quan đến đề tài, nội dung môn học, những vấn đền cần thảo luận.
Ở Việt Nam, bước đầu đã có một số thư viện tạo lập thông tin cho các chủ đề như Trung tâm học liệu Đại học Cần Thơ, Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên, Trung tâm thông tin thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội…
Góp phần đổi mới giáo dục đại học
Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai sâu rộng tại nhiều trường ĐH. Theo báo cáo của Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, kết quả điều tra 145 thư viện trường ĐH có 28% thư viện có website, 54% trường đã xây dựng được mục lục điện tử. Một số trường nhờ triển khai xây dựng thư viện điện tử và xây dựng được vốn tài liệu phòng phú đã hút được hơn 2.000 lượt người tới sử dụng thư viện mỗi ngày. Tiêu biểu có: Trung tâm học liệu ĐH Cần Thơ, Đà Nẵng; Trung tâm thông tin thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội, Thư viện Tạ Quang Bửu (ĐH Bách khoa Hà Nội)…
Bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết: Nhu cầu người dùng tin về sản phẩm và dịch vụ thông tin ngày một tăng và mở rộng. Vì thế, bên cạnh việc tạo lập bộ máy tra cứu sản phẩm thông tin truyền thông như: Hệ thống mục lục, các bản thư mục… nhiều thư viện ĐH đã xây dựng các sản phẩm thông tin hiện đại như cơ sở dữ liệu, thư mục tóm tắt, biên soạn các tài liệu tổng quan.
Nhiều thư viện cũng tổ chức dịch vụ thông tin theo chế độ hỏi đáp, phục vụ thông tin theo yêu cầu, dịch vụ tra cứu thông tin trực tuyến… Các sản phầm này đã giúp người dùng tin có thể tra cứu và chọn lọc thông tin phù hợp với nhu cầu của mình một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng ở mọi nơi, mọi lúc.
Hơn nữa, một số thư viện còn chủ động tìm hiểu kế hoạch và chương trình đào tạo của các khoa, các bộ để có kế hoạch phục vụ phù hợp, chủ động trong đảm bảo học liệu cho GV và SV, chuyển từ hình thức phục vụ thụ động sang chủ động giới thiệu tài liệu phục vụ theo yêu cầu; đa dạng hóa các hình thức phục vụ; tăng cường giờ phục vụ.
Nâng cao việc sử dụng tài liệu, thông tin cho GV, SV đặc biệt trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ, các thư viện đại học, cao đẳng (CĐ) đã tổ chức nhiều hình thức đào tạo, hướng dẫn người dùng tin: Tập huấn, biên soạn tài liệu hướng dẫn tra cứu, hướng dẫn sử dụng thư viện, hướng dẫn kèm theo từng sản phẩm dịch vụ cụ thể như các Trung tâm thông tin thư viện: Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Y Hà Nội… đã chú trọng trang bị kiến thức thông tin cho người sử dụng. Đó là những kiến thức và kỹ năng nhận biết nhu cầu thông tin xác định đánh giá và sử dụng thông tin một cách hiệu quả, từ đó giúp cho người dạy, người học nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu.
Bằng hoạt động đào tạo người dùng tin, các hình thức marketing, cung cấp các bản thư mục, ấn phẩm thông tin, thư viện đã chủ động giới thiệu cho người dạy và người học các nguồn tài liệu hỗ trợ người học tập. Nhờ đó thư viện giúp cho các giảng viên có thể thiết kế bài giảng đảm bảo chất lượng và linh hoạt.