Thú vị những điệu cười của động vật

GD&TĐ - Nghiên cứu cho thấy, âm thanh động vật phát ra khi giao tiếp với đồng loại có điểm tương đồng với tiếng cười của con người.

Loài linh trưởng tạo ra tiếng cười khi vui đùa.
Loài linh trưởng tạo ra tiếng cười khi vui đùa.

Tuy nhiên, tiếng cười ở động vật thường mang nghĩa mời gọi giao phối, gia nhập bầy đàn hoặc tìm kiếm thức ăn.

Ý nghĩa tiếng cười của loài vật

Cười đùa cùng nhau giúp mọi người kết nối và gắn bó. Mặc dù lý do cười có thể rất khác nhau giữa các cá nhân và nhóm, âm thanh này vẫn có thể phân biệt với tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng rên rỉ hay tiếng quát tháo.

Ở loài người, tiếng cười thể hiện nhiều loại cảm xúc, từ tích cực như thích thú đến tiêu cực như khó chịu. Mọi người cười khi nghe một câu chuyện thú vị hoặc khi nhìn thấy những điều hài hước.

Nhưng với các loài động vật thì sao? Chúng có cười không và lý do chúng cười có giống với cách con người cười hay không? Thật khó để biết liệu động vật có khiếu hài hước như con người hay không.

Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Bioacoustics vào tháng 4/2021 cho thấy khi giao tiếp, đôi khi động vật tạo ra âm thanh có sắc thái thoải mái, dễ chịu. Sasha Winkler, tác giả chính của nghiên cứu, làm việc tại Trường Đại học California, Los Angeles (Mỹ), cho biết loài khỉ rhesus (tên khoa học là Macaca mulatta) thường thở hổn hển khi nô đùa.

Đây là nguồn cảm hứng để cô và các cộng sự mở rộng nghiên cứu về tiếng cười của các loài động vật. Họ tìm kiếm liệu các loài vật khác có phát ra tiếng thở hổn hển như khỉ rhesus trong khi vui chơi.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những âm thanh như vậy gần giống với tiếng cười của con người. Họ tiếp tục nghiên cứu mức độ phổ biến của tiếng cười giữa các loài động vật.

Nhóm xác định được 65 loài đã “cười” khi chơi đùa, hầu hết là động vật có vú. Một số loài chim cũng phát ra âm thanh vui vẻ. Phân tích này giúp các nhà khoa học ngược trở lại nguồn gốc tiến hóa của tiếng cười ở loài người.

Khi vui đùa, động vật có thể kêu hoặc cười để giữ tương tác ở mức hài hòa, không trở nên hung hăng. Không giống như đánh nhau, khái niệm chơi đùa ở động vật thường là giao phối, tìm kiếm thức ăn. Có thể thấy rõ hoạt động chơi đùa ở các loài linh trưởng vì cơ mặt chúng thể hiện biểu cảm giống với loài người khi vui chơi.

Nghiên cứu này được phát triển từ một thí nghiệm từ năm 2017 về loài vẹt kea sống tại New Zealand. Các chuyên gia đã ghi lại tiếng cười của những con vẹt kea và phát lại cho những con khác nghe. Kết quả đàn vẹt này sẽ chơi đùa cùng nhau tương đối thân thiết. Nghiên cứu này chỉ ra tiếng cười của loài vẹt kea giống như lời mời gọi đồng loại cùng gia nhập đàn hoặc cùng nhau kiếm ăn.

Kết quả điều tra cho thấy, động vật có vú, đặc biệt là các loài linh trưởng, động vật gặm nhấm, động vật ăn thịt và động vật biển có vú phát ra âm thanh tương tự. Những âm thanh này chỉ phát ra khi chơi đùa, chẳng hạn tiếng kêu giống tiếng còi của cá heo mũi chai (tên khoa học là Tursiops truncatus), tiếng rít của chuột.

Hầu hết các loài linh trưởng, gồm tinh tinh, khỉ đột, khỉ, khỉ đầu chó, đều thể hiện tiếng cười bằng cách: Thở hổn hển, nhếch môi, khục khặc cho đến tiếng “cạch cạch, lạch cạch” và kêu to.

Loài chim phát ra tiếng cười để thu hút đồng loại.

Loài chim phát ra tiếng cười để thu hút đồng loại.

Cười không chỉ để đùa vui

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cá, động vật lưỡng cư và bò sát không tạo ra tiếng cười vì nhóm này có thể không tổ chức hoạt động vui đùa. Tuy nhiên, tiếng cười giữa con người và các loài động vật tương đối khác biệt.

Thông thường, tiếng cười ở con người thể hiện họ đang vui vẻ hoặc chia sẻ niềm hân hoan với mọi người xung quanh. Con người cũng đưa tiếng cười vào giao tiếp để thể hiện thái độ, cảm xúc trước hành vi của mọi người xung quanh.

Ví dụ như cười nhếch mép, cười mỉa mai, cười hềnh hệch để bộc lộ phản ứng tán dương hay phản đối hành động của mọi người xung quanh.

Nhưng ở một số loài động vật, cười không đồng nghĩa với vui vẻ. Chẳng hạn, loài linh cẩu thường phát ra tiếng cười khi cảm thấy nguy hiểm, bị đe dọa, bị tấn công hay đơn giản là lúc buồn bực.

Tiếng cười của con người và động vật cũng khác nhau ở âm lượng. Ví dụ, những con linh cẩu già thường cười ở âm vực thấp trong khi tiếng cười của những con linh cẩu trẻ cao, thậm chí khá chói tai. Một số loài cười rất nhỏ, chỉ đủ để đối phương nghe thấy. Trong khi tiếng cười của con người vang, lớn và có sắc thái.

Trước Winkler, năm 2000, Jaak Panskeep, nhà tâm lý học và thần kinh học làm việc tại Trường ĐH bang Washington, Mỹ, phát hiện ra những con chuột bị cù phát ra âm thanh líu lo giống âm thanh khi chúng chơi đùa. Một số con chuột trong phòng thí nghiệm thích bị cù đến nỗi chúng mô phỏng lại hoạt động gây cười này.

Từ đó, Panskeep cùng các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về hoạt động vui chơi của các loài động vật. Ông xác định được bảy cách biểu đạt cảm xúc cơ bản được kích hoạt bởi não bộ của động vật có vú. Từ đó, ông ứng dụng kết quả này vào nghiên cứu cảm xúc của con người và tìm ra phương pháp điều trị chứng trầm cảm ở người.

Panskeep đã điều chế lâm sàng một loại thuốc chống trầm cảm, được đặt tên là GLYX-13. Ông đánh giá sản phẩm điều chế này là minh chứng rằng các nhà khoa học nên đánh giá nghiêm túc trạng thái cảm xúc của động vật. Những nghiên cứu từ động vật có thể làm tiền đề phát triển dược phẩm tâm thần cho con người.

Ông cũng cho biết thêm, chúng ta tưởng chuột, khỉ có thể cười vì chúng thông minh. Nhưng thực tế, trí thông minh không phải yếu tố gây cười. Hoạt động vui chơi ở bất kỳ loài động vật nào cũng có thể kích thích tiếng cười, làm tăng khả năng nhận thức.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Từ niềm vui khi biết mình mang thai đến sự phấn khích khi cảm nhận được chuyển động của thai nhi, mẹ và con được kết nối bằng máu và trái tim. (Ảnh: ITN).

Lý do hầu hết trẻ em gần gũi mẹ hơn cha

GD&TĐ - Dù là thời thơ ấu hay khi trưởng thành, hầu hết trẻ em đều có mối liên kết sâu sắc hơn với mẹ mình và phụ thuộc vào mẹ nhiều hơn về mặt tâm lý.