Thu vé du khách tham quan Hội An để 'có tiền trùng tu di tích'

GD&TĐ - Từ 15/5, du khách trong nước và quốc tế phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ Hội An.

Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Hoàng Vinh
Du khách tham quan phố cổ Hội An. Ảnh: Hoàng Vinh

Từ ngày 15/5 tới đây, trừ những người dân trong khu vực phố cổ, tất cả du khách trong và ngoài nước khi vào phố cổ Hội An (Quảng Nam) tham quan đều phải mua vé. Lãnh đạo UBND TP Hội An cho rằng, quy định này đã có từ lâu và giờ là lúc thực hiện và siết chặt trở lại.

Bảo đảm công bằng cho du khách

“Trước khi ký đề án, TP Hội An đã tham vấn người dân, người kinh doanh trong phố cổ. Khi thực hiện sẽ còn rất nhiều bước, trong đó có tổ chức họp báo, lắng nghe ý kiến người dân và giải đáp. Bên cạnh đó, sẽ họp các đơn vị lữ hành để thông tin về việc này. Đây là một biện pháp siết chặt quản lý chứ lâu nay đã thả lỏng. Sở dĩ lâu nay lãnh đạo Hội An coi di sản là của người dân nên tạo điều kiện để người dân buôn bán thuận lợi”, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết.

TP Hội An vừa ban hành phương án về việc “Tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An”. Trong đó, có nội dung sẽ bố trí lối đi riêng cho người địa phương khi vào khu phố cổ Hội An.

Cụ thể, từ 15/5, du khách trong nước và quốc tế phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ Hội An. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Thời gian bán vé tham quan từ 7 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút hằng ngày vào mùa Hè và đến 21 giờ vào mùa Đông.

Bên cạnh đó, sẽ có 2 lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách. TP Hội An cũng sẽ bổ sung mở rộng không gian đề án “Phố dành cho người đi bộ và xe không động cơ” cho tuyến đường Phan Chu Trinh.

Ngoài ra, tới đây, phố đi bộ và xe không động cơ sẽ thực hiện xuyên suốt từ 9 giờ - 21 giờ 30 phút hằng ngày vào mùa Hè và đến 21 giờ vào mùa Đông thay vì tạm dừng trong khung giờ từ 11 giờ - 15 giờ như hiện nay.

UBND TP Hội An cho hay, việc ban hành phương án này nhằm tăng cường quản lý nguồn thu từ vé tham quan để có thêm nguồn lực cho việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, phục vụ tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu, cải tạo nhà…

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng, việc bán vé cho người dân và du khách khi tham quan phố cổ đã thực hiện từ rất lâu, cụ thể là từ năm 1999 khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

“Cũng giống như Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) khi bước ra tàu đi tham quan thì đã bắt đầu thu tiền vé, tương tự khi vào phố cổ Hội An tham quan thì cũng phải mua vé. Nhưng lâu nay khách du lịch quốc tế thì hầu hết đều mua vé 100%, còn khách nội địa thì mua rất ít. Vì vậy, xảy ra tình trạng bất bình đẳng giữa người mua vé và người không mua vé”, ông Sơn cho hay.

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Như Nam, Tổng Giám đốc Công ty Việt Nam TravelMart, đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành, cho rằng, việc thu phí tham quan là quan điểm của mỗi địa phương. Về góc độ doanh nghiệp, chi phí vào tham quan điểm du lịch tăng thì du khách chắc chắn sẽ giảm, dẫn đến cạnh tranh về du lịch sẽ thua các địa phương khác.

“Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khi càng đưa chi phí lớn thì tour đó chắc chắn sẽ ế khách. Bởi 80.000 đồng/người khách nội địa, 120.000 đồng/khách với một vài khách đi lẻ thì sẽ không sao, nhưng khi đi theo đoàn vài trăm khách thì sẽ là con số lớn. Cá nhân tôi nghĩ rằng, khách du lịch sẽ chọn địa điểm du lịch khác thay vì đi Hội An như đi Đà Lạt, Nha Trang…”, anh Nam nhận định.

Thiệt thòi khi so với Hạ Long, Huế…

Ông Võ Văn Anh, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên Du lịch Đà Nẵng, cho rằng, việc bán vé tham quan ở Hội An đã thực hiện từ rất lâu. Đây là một việc giúp bảo tồn các di sản tại phố cổ Hội An và cũng hợp lý, đáng ghi nhận.

Theo ông Anh, phần lớn nguồn thu để trùng tu các di sản ở Hội An là ở việc bán vé tham quan, bởi vậy khi du khách đến mua vé góp phần trùng tu các di tích. “Nếu Hội An làm tốt việc bán vé thì rất đáng hoan nghênh. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải có cái nhìn thoáng hơn về việc này”, ông Anh cho biết.

Vị đại diện Hội Hướng dẫn viên Du lịch Đà Nẵng cho rằng, các tour du lịch ở Đà Nẵng đều có điểm đến Hội An, vì đây là điểm đến hấp dẫn với nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách nên lượng khách đông.

“Quá trình triển khai thì Hội An phải tổ chức cho hài hòa, tránh làm phản cảm với du khách, có thái độ ứng xử phù hợp để trở thành điểm đến văn minh, lịch sự”, ông Anh nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An, cho rằng, tiền vé tham quan nhằm mục đích trùng tu di sản. Ví dụ trùng tu di tích Chùa Cầu với kinh phí 20 tỷ đồng, tổ chức các sự kiện, lễ hội, chi trả lực lượng bảo vệ... cũng đều lấy từ tiền bán vé.

“Lâu nay tất cả nguồn kinh phí tổ chức các sự kiện, trả lương lực lượng bảo vệ… đều ở nguồn vé. Cạnh đó, người dân trong khu vực phố cổ khi trùng tu nhà cửa đều phải được hỗ trợ 40% - 70%, bởi khi người dân trùng tu nhà cổ bằng mái ngói âm dương, gỗ rất đắt nên thành phố hỗ trợ thì mới có thể trùng tu được. Cho nên cần nguồn kinh phí bán vé để sử dụng vào những mục đích này”, ông Sơn lý giải.

Theo đại diện UBND TP Hội An, nguồn thu bán vé tham quan năm 2019 là khoảng 200 tỷ đồng, năm 2021 là 1,4 tỷ đồng, năm 2022 là 42 tỷ đồng. “So với các di sản khác, Di sản văn hóa thế giới Hội An rất thiệt thòi.

Ví dụ như Vịnh Hạ Long mỗi năm doanh thu cả 1.000 tỷ, Huế khoảng 700 tỷ… Trong khi đó, Hội An có 80.000 đồng/người mà người Việt cũng không mua. Hiện, một số công ty lữ hành đưa vé tham quan Hội An ra khỏi tour du lịch, như vậy sẽ không công bằng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ngoài ra, vị đại diện UBND TP Hội An cũng cho hay, đối với việc học sinh, sinh viên khi tham quan phố cổ, sẽ căn cứ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam.

“Trẻ em dưới bao nhiêu tuổi sẽ được miễn phí, học sinh, sinh viên sẽ được giảm giá vé, cao nhất chỉ được thu 50%, tất cả việc này đều có quy định rất cụ thể nhưng lâu nay không hề thu”, ông Sơn thông tin.

“Khi triển khai thì tất cả các kiệt, hẻm nhỏ thì dành cho người dân đi lại, người về thăm quê, còn du khách phải đi đường chính. Chúng tôi sẽ họp và có phương án nhận biết việc này, kể cả khách lưu trú khi mua vé ra vào sẽ có cách nhận diện. Việc này gắn với đề án chuyển đổi số khi tham quan. Nếu phát hiện trường hợp không mua vé thì sẽ mời du khách đó ra ngoài”, ông Sơn khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ